Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm vốn ở thị trường trái phiếu

Với việc phát hành trái phiếu, chỉ sau 4-6 tuần là DN có vốn để sản xuất kinh doanh. DN có thể sử dụng một cách chủ động nguồn vốn trái phiếu ngay sau phát hành mà không phải phụ thuộc vào việc giải ngân vốn.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng (NH) quá cao nên không ít DN đã thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất vì không vay được vốn. Đó là những chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), tại Hội thảo Giải pháp vốn cho DN do VCCI phối hợp với Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10-5.

1/3 DN không tiếp cận được vốn

Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay mức lãi suất trần huy động vốn của NHNN quy định đối với các ngân hàng thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh trong khoảng 17%-18%/năm. Tuy nhiên, thực tế một số NH thương mại đã phá rào huy động vốn băng cách nâng mức lãi suất lên 15%-19%/năm tùy vào thời điểm và số lượng tiền gửi. Việc huy động như thế đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên 20%-22%/năm. Một số NH còn đặt ra các loại phí khác khiến mức lãi suất thật các DN vừa và nhỏ phải vay có thể lên đến 27%/năm. Điều này làm không ít doanh nghiệp không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Ông Lộc cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến cho DN khó vay vốn của NH nhưng nguyên nhân căn bản là do các DN nhỏ và vừa chưa đáp ứng đủ điều kiện để các NH cho vay như việc lập kế hoạch kinh doanh, tài sản đảm bảo, cân đối tài chính của DN… Theo khảo sát của VCCI, có đến 74,47% DN muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay NH. Chính tâm lý này đang hạn chế tính năng động của DN.

Ông Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết một điều tra mới đây của đơn vị này cho thấy chỉ có 1/3 DN nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận nguồn vốn NH, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Không ít DN cho rằng thủ tục các NH đặt ra là quá sức đối với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5%-10% số DN vừa và nhỏ được vay.

Vốn từ trái phiếu: Vừa linh hoạt vừa dài hạn

Ngoài kênh vay vốn truyền thống thông qua NH, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN, cho rằng các DN nên tiến hành phát hành trái phiếu bởi kênh huy động vốn này đảm bảo cho DN được sử dụng một nguồn vốn linh hoạt và dài hạn. DN có thể sử dụng một cách chủ động nguồn vốn trái phiếu ngay sau phát hành mà không phải phụ thuộc vào việc giải ngân vốn. Ngoài ra, vốn trái phiếu được thanh toán gốc vào cuối kỳ nên DN không chịu áp lực thanh toán gốc theo định kỳ. Bên cạnh đó, vốn trái phiếu có kỳ hạn dài (từ hai năm đến 10 năm), thậm chí đến 20 năm hoặc dài hơn, đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của DN.

Ngoài ra, theo ông Quỳnh, chi phí huy động vốn trái phiếu được xác định ở mức hợp lý phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Lãi suất trái phiếu thường được xác định dựa trên quan hệ cung cầu vốn trên thị trường có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư quan tâm nên trái phiếu thường được định giá ở mức hợp lý. Thêm vào đó, chi phí huy động vốn qua phát hành trái phiếu rẻ hơn so với phát hành cổ phiếu do mức độ rủi ro của vốn nợ thấp hơn vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, chi phí trả lãi trái phiếu sẽ được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của DN. Do vậy, DN được hưởng lợi từ “tấm chắn thuế” so với hình thức phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc huy động vốn thông qua trái phiếu giúp DN tránh pha loãng cổ phiếu, ưu đãi thuế với vốn vay và giảm chi phí huy động vốn. Đặc biệt, việc huy động vốn bằng trái phiếu chuyển đổi thì DN chỉ phải trả lãi suất ở mức thấp, thậm chí không phải trả lãi. Thông qua phát hành trái phiếu các DN tránh được những rào cản khi phải tiếp cận vốn tín dụng NH, không phải chịu những điều kiện giải ngân hay tiến độ.

“Thực tế hiện nay với việc phát hành trái phiếu DN chỉ sau 4-6 tuần là DN có vốn để phục vụ ngay kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thị trường trái phiếu VN hiện mới chỉ chiếm 8%-9% GDP là con số rất nhỏ. Nếu so với Trung Quốc hay Malaysia thì con số này đạt 52,4% và 81%. Vì vậy phát hành trái phiếu để huy động vốn nên được các doanh nghiệp lưu tâm hơn nữa” - đại diện VCCI cho biết thêm.

(Pháp Luật TPHCM)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!