Trong bối cảnh hạn chế tăng trưởng tín dụng, thị trường cổ phiếu bội thực nguồn cung, cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu, hợp tác công tư.
Trong buổi tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và đầu tư, chỉ có 1/3 doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5-10% số doanh nghiệp được vay.
Nguồn vốn ngân hàng khó khăn
Mức trần lãi suất huy động hiện nay của hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định là 14%, lãi suất cho vay tương ứng vào khoảng 17-18%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng phá rào huy động bằng cách nâng lãi suất lên từ 15-19%, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng nâng lên từ 20-22%. Một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật có thể lên tới 27%.
Tuy nhiên, nghiên cứu của VCCI cho thấy 74,47% doanh nghiệp vẫn muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay ngân hàng.
TS Nguyễn Thị Mùi, hiệu trưởng trường đạo tạo nhân lực Viettinbank kiến nghị, phải xem xét bằng mọi cách giảm lãi suất đầu vào cho doanh nghiệp, tương ứng là lãi suất đầu ra của ngân hàng.
Khi lạm phát tháng 5 nguy cơ lên tới 1,7-2,2%, Chính phủ và NHNN cần hỗ trợ vốn cho NHTM và xử phạt nghiêm với những trường hợp huy động vốn vượt trần. Đồng thời, sử dụng công cụ tài chính hướng dòng vốn, chẳng hạn thuế lũy tiến bất động sản.
Thị trường cổ phiếu không hiệu quả
Thời gian vừa qua, các hình thức gọi vốn từ cổ đông, chào bán riêng lẻ cho đối tác, công nhân viên chức… trên thị trường chứng khoán được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu ồ át khiến thị trường bị bội thực nguồn cung và kênh huy động này hiện nay không hiệu quả.
Đến nay, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong GDP với 8-9%GDP trong khi ở Nhật Bản là 200% GDP, Trung Quốc 52,4%, Maylaysia 81%. Nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước các năm tới cần duy trì ít nhất tương đương khoảng 40%GDP.
Để nâng cao khả năng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, cần xây dựng tổ chức định hạng tín nhiệm doanh nghiệp chuyên nghiệp nhằm định hạng trái phiếu phát hành chuẩn mực làm cơ sở xem xét đánh giá, đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, phải công khai, minh bạch thông tin tổ chức phát hành; yêu cầu định hạng tín nhiệm tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, đại diện phía Deloitte Việt Nam cho rằng, hợp tác công-tư (PPP) là xu thế tất yếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư nhằm lấp đầy khoảng cách đầu tư cũng như tranh thủ năng lực về quản lý, kỹ thuật, công nghệ của khu vực tư nhân. Từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Để đảm bảo thành công của các dự án PPP, Chính phủ xây dựng đầy đủ, minh bạch, công bằng về khung pháp lý, đưa ra một cam kết rõ ràng về lộ trình thực hiện.
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com