Trong ngắn hạn, giá USD còn… tiếp tục rớt và giá USD tăng hay giảm cũng còn phụ thuộc vào chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhấn mạnh điều này khi trao đổi về vị thế USD trên thị trường ngoại hối hiện nay.
Theo phân tích của tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ngay các ngân hàng cũng không mặn mà với USD như trước nữa vì nguồn cung USD dư thừa và VND đang thiếu.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (Dongabank), phụ trách mảng ngoại hối cho biết, nếu so với khi chưa thực hiện chính sách tỷ giá, thì nguồn USD của ngân hàng đã tăng ít nhất 300 - 400%.
Cùng với chính sách siết lãi suất USD dưới mức 3%/năm và việc giá USD rớt xuống, làm lượng người bán USD tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, hiện nguồn vốn USD không khả dụng, thị trường lại đang nhiều nguồn cung USD, có thể đây là việc khiến một số ngân hàng ngoảnh mặt với USD.
Giữa thời điểm cho vay USD không dễ, trong khi nguồn cung bán USD trở nên dồi dào hơn, nên nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của một số ngân hàng bắt đầu ngưng hoặc không mặn mà với việc thu mua USD của người dân.
Nguồn cung đang dồi dào, nên nếu mua nhiều thì không biết dùng vào đâu.
Lãnh đạo Eximbank, ACB… khẳng định vẫn mua USD bình thường. Nhưng, nếu so sánh giá mua vào ở các ngân hang cách đây không lâu, thì người bán USD đang mất dần lợi thế.
Trước đây,khi USD còn làm mưa làm gió, người có USD lợi đơn, lợi kép, vừa được lợi nhở tỷ giá tăng vừa được hưởng lãi suất cao. Bây giờ, gió đã xoay chiều, lãi suất thấp mà tỷ giá thì ngày một giảm.
Eximbank niêm yết giá USD mua vào 20.540 đồng một USD, bán ra 20.650 đồng. ACB mua vào chỉ có 20.530 đồng một USD với loại USD mệnh giá 50, 100 USD và chỉ 20.510 đồng cho các mệnh giá thấp hơn. Giá mua vào của Agribank chỉ có 20.500 đồng một USD. Trong số các ngân hàng thương mại, Vietcombank khá hơn cả về giá, khi mua vào với mức 20.570 đồng.
Theo ông Cấn Văn Lực – Cố vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, chỉ sau hai tuần khi Ngân hàng Nhà nước hạ mức trần lãi suất USD xuống 3%, tại hầu hết các ngân hàng, nguồn cung USD tăng hẳn.
Người dân và doanh nghiệp đều đổ dồn sang bán USD, gửi tiền VND lãi suất hấp dẫn hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đẩy mạnh bán USD cho ngân hàng bởi nếu giữ USD, doanh nghiệp sẽ thiệt đơn thiệt kép vì lãi suất tối đa với các tổ chức kinh tế chỉ 1%/năm trong khi tỉ giá lại liên tục đi xuống.
Chưa nói tới các ngân hàng lớn, chỉ một số ngân hàng thương mại nhỏ mỗi ngày đã thu về tới 10-15 triệu USD. Còn theo lãnh đạo Eximbank, những ngày gần đây nhu cầu mua USD nhập hàng hóa của các doanh nghiệp nhập khẩu đang tăng lên nhưng số USD mà ngân hàng mua vào vẫn nhiều hơn, do vậy ngân hàng giảm giá bán USD để đẩy mạnh bán ra.
Ngòai ra, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước cũng đang tạo áp lực lớn đối với thị trường USD tự do, khiến dòng ngoại tệ chảy vào ngân hàng. Những động thái này cho thấy thị trường ngoại tệ đang dần ổn định so với cách đây hai tháng, sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện hàng loạt giải pháp theo hướng siết chặt, dần tiến tới xóa bỏ đầu cơ, đô la hóa.
Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả ban đầu, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục siết chặt việc kiểm soát, kiểm tra.
Trên thị trường thế giới, giá đồng USD đang giảm dần do thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ. Giá USD đã giảm 36% so với loại tiền tệ mạnh khác trong thập kỉ trước và tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong khủng hoảng tài chính khiến các nhà đầu tư sợ hãi khi đầu tư vào đồng USD.
Các xu hướng giảm giá của USD có thể sẽ tiếp tục bởi nhiều nền kinh tế khác đang phát triển mạnh mẽ đe dọa vị trí nền kinh tế hàng đầu của Mỹ.
Trong thời điểm hiện tại, giá USD và trái phiếu kho bạc Mỹ đang được giao dịch ở mức giá phản ánh niềm tin nhà đầu tư trong tương lai của đồng bạc xanh.
Đồng USD vẫn là đồng tiền ưa thích cho một loạt các giao dịch, thậm chí có rất nhiều giao dịch bên ngoài nước Mỹ và không liên quan tới các doanh nghiệp hay cá nhân Mỹ. Các quốc gia đã sử dụng USD như một đồng tiền dự trữ chính, các nhà đầu tư đổ rất nhiều tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ.
Nhưng những hoạt động đầu tư đó có thể sẽ không kéo dài. Có rất nhiều loại tiền tệ mạnh khác đang trở thành đối thủ cạnh tranh của đồng bạc xanh. Đồng Euro là một ví dụ. Euro được sử dụng tại 17 nền kinh tế châu Âu. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ kéo dài tại khu vực này, đồng Euro vẫn tăng 15% so với đồng USD kể từ giữa tháng 1, một phần vì Ngân hàng Trung ương châu Âu đã sẵn sàng tăng lãi suất trong khi FED vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào chứng tỏ Mỹ sẽ nâng lãi suất cao hơn.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com