Chính phủ vừa yêu cầu NHNN có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các NHTM có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá… Nhiệm vụ này vừa khó cho NHNN, vừa khó cho các tổ chức tín dụng.
Từ tháng 4/2010, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18, ngành ngân hàng bắt đầu lộ trình giảm mặt bằng lãi suất. Song, dù rất cố gắng nhưng con đường này ngày càng khó khăn hơn. Khi chỉ số CPI tháng 9 bất ngờ tăng thêm 1,31%, nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất càng trở nên bất khả thi. Trong bối cảnh ấy, câu hỏi “cách gì thu tiền về” cũng thực sự rất khó giải.
Để điều hành chính sách tiền tệ, NHNN có trong tay 6 công cụ: tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc, lãi suất tín dụng, hạn mức tín dụng, và tỷ giá hối đoái. Với tái cấp vốn (tiền cung ứng của NHTW), NHNN đã và đang đưa tiền cung ứng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Từ 1/10, theo Thông tư 13 và Thông tư 19, các TCTD phải đảm bảo hệ số CAR là 9%. Hiện vẫn còn một số NHTMNN chưa đáp ứng được yêu cầu này và đang trông chờ vào nguồn vốn cấp từ NHNN. Giờ, trước sức ép của lạm phát, e rằng, NHNN sẽ phải cân nhắc giữa việc kiềm chế lạm phát hay tung tiền ra để những NHTM này đủ điều kiện mà chính NHNN đưa ra. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Thông tư 20 vừa được NHNN ban hành, cho phép các TCTD có dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn cao được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Quy định này được áp dụng từ kỳ dự trữ tháng 10/2010. Đến giờ không lẽ lại tăng?
Rõ ràng tiền trong dân còn rất lớn. Những hàng người rồng rắn xếp hàng mua vàng trong những ngày qua là hình ảnh cho thấy phần nào điều đó. Nhưng làm thế nào để số tiền này chảy vào ngân hàng? Cách trực tiếp, nhanh nhất là tăng lãi suất huy động. Nhưng điều này đi ngược với “lộ trình” ngành ngân hàng đang nỗ lực thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, NHNN cũng chưa khi nào công bố thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ. Lãi suất cơ bản đã được giữ nguyên 8%/năm từ cuối năm 2009 đến nay; lãi suất tái chiết khấu cũng được giữ ổn định là 6%/năm; lãi suất nghiệp vụ thị trường mở là 7 - 8%/năm. Nếu NHNN giảm cung tiền, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mà các NHTM không được tăng lãi suất huy động thì nỗi lo dẫn đến mất khả năng thanh khoản (theo quy luật hàng năm, thanh khoản là mối lo đến hẹn lại lên của các TCTD vào những tháng cuối năm) sẽ thực sự là mối đe dọa với không ít TCTD.
NHNN có thể dùng tỷ giá hối đoái là đòn bẩy điều tiết cung cầu ngoại tệ. Thực chất tỷ giá không phải là công cụ của chính sách tiền tệ, vì nó không làm thay đổi lượng tiền trong lưu thông, nhưng có tác động gián tiếp đến lãi suất nội tệ. Hơn nữa, công cụ này sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước. Nên NHNN dù muốn cũng khó có thể sử dụng biện pháp này.
Trả lời phỏng vấn báo chí cuối tháng 9/2010, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, từ đầu năm đến nay NHNN nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng, hài hòa giữa hai mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ không có động thái thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ. NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ mọi biến động để điều hành linh hoạt, nhưng không thay đổi mục tiêu. Sau khi có chỉ thị của Chính phủ, NHNN chưa có ý kiến cũng như chưa bình luận gì. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ thị này thực sự làm khó ngân hàng. Có một cách khác để hút tiền về là tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ. Lượng trái phiếu được phát hành từ đầu năm đến nay đã trên 100.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (56 ngàn tỷ đồng). Việc phát hành trái phiếu thành công như vậy là do mức lãi suất trái phiếu khá hấp dẫn. Giờ, nếu tiếp tục phát hành, lãi suất trái phiếu sẽ là bao nhiêu để không “đi ngược” với nỗ lực mà ngành ngân hàng đang thực hiện, nhưng vẫn đạt được mục tiêu Chính phủ vừa đưa ra?
(Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com