Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làn sóng đua tăng lãi suất huy động VND có kích hoạt lạm phát?

Làn sóng đua tăng lãi suất huy động VND ở các ngân hàng thương mại từ đầu tháng 5 tới nay chưa có dấu hiệu dừng do nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng cao. “Đỉnh” lãi suất huy động hiện ghi nhận ở mức 10,1%/năm, tiến gần sát với mức lãi suất trần cho vay là 10,5%/năm. Hiện tượng này khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát đang bị kích hoạt trở lại.
 

Khát vốn?


Cùng với việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng còn tái áp dụng chương trình khuyến mãi cho khách hàng gửi tiết kiệm nhằm thu hút thêm nguồn tiền VND.


Ngân hàng An Bình, từ ngày 10-6, cho ra đời 2 sản phẩm tiết kiệm mới “Tiết kiệm Tỷ phú” và “Tiết kiệm Phú quý” với lãi suất rất hấp dẫn lên tới 9,99%/năm. Ngân hàng Đông Nam Á (SEABank) cũng vừa nâng mức lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 6 tháng lên 8,1%-8,34%/năm và mức lãi suất cao nhất 9%-9,24%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng. DongA Bank áp dụng mức lãi cao nhất 8,82%/năm, kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn ngắn 3-8 tháng dao động từ 7,56%-7,86%/năm. Ngân hàng ACB cũng nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 36 tháng lên 8,8%/năm (mức lãi suất này chưa cộng lãi suất thưởng).


Đứng đầu danh sách đẩy lãi suất huy động lên gần kịch trần để giữ chân khách hàng là HDBank. Từ ngày 16-6, HDBank chính thức điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND với tên gọi “sản phẩm tiết kiệm siêu lãi suất” kỳ hạn 36 tháng lên 10,1%/năm. Đối với lãi suất tiết kiệm thường, lãi suất điều chỉnh tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 36 tháng từ 9,2% lên 9,8%/năm. Kỳ hạn 24 tháng, tăng từ 9,0% lên 9,4%/năm...
 

Giao dịch tại Ngân hàng BIDV chi nhánh TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ


Theo lãnh đạo một số ngân hàng, thời điểm này các khách hàng thực hiện rút vốn đã gửi từ năm ngoái, lúc lãi suất huy động đang ở đỉnh cao trên 20%/năm. Thêm vào đó, một nguồn tiền không nhỏ được khách hàng rút ra đổ vào các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản, vàng, khiến các ngân hàng không thể không tăng tốc huy động vốn để cho vay. Đặc biệt là khi dư nợ tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất và tín dụng tiêu dùng đang gia tăng tạo lực hút đồng vốn lớn.

Để có tiền cho vay, cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng ngày càng trở nên căng thẳng hơn và lãi suất đầu vào liên tục được các ngân hàng đẩy lên cao. Nhiều ngân hàng phải tăng cường thiết kế các sản phẩm tiết kiệm để thu hút khách hàng, thu hút vốn đầu vào để phục vụ đầu ra - cho vay.

Rủi ro đang... chờ đợi

Thị trường chứng khoán tăng nóng và giá cả thị trường có chiều hướng tăng không khỏi khiến nhiều người lo ngại về những rủi ro đang chờ đợi phía trước, đặc biệt là tình trạng tái lạm phát.

Kể từ khi triển khai chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD tăng lên nhanh chóng qua từng tháng. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Doãn Hữu Tuệ, quyết định tăng lãi suất huy động của các ngân hàng đều dựa trên nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong các tháng vừa qua và đang có xu hướng tăng lên khi gói hỗ trợ lãi suất thứ hai của Chính phủ cho vốn trung và dài hạn bắt đầu được triển khai rộng.

Hơn nữa, do sức ép cạnh tranh, các ngân hàng không thể đứng yên trước xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng khác - nếu không muốn mất khách hàng - đã góp phần tạo nên vòng xoáy tăng lãi suất. Các chỉ tiêu kinh doanh khả quan trong quý 1 cũng giúp các ngân hàng mạnh tay hơn trong các quyết định tăng lãi suất huy động.

Ở một góc độ khác, ông Tuệ cho rằng, với mức 10,1%/năm hiện nay, lãi suất huy động VND chỉ còn cách trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước có 0,4%. Trong khi, để bảo đảm ngân hàng hoạt động có lãi, mức chênh giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động phải từ 2,5% - 3%/năm.

Thông thường, tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng huy động phải tương ứng với nhau để đảm bảo sự cân đối giữa đầu vào (huy động) và đầu ra (tín dụng). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần đây tăng trưởng huy động thấp trong khi đó tăng trưởng tín dụng lại cao. Có nhiều nguyên nhân để dòng tiền lưu chuyển không cân đối, trong đó có sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán. Trước đây, thay vì người ta gửi tiền vào ngân hàng thì bây giờ lại rút ra để chuyển vào thị trường chứng khoán hay kinh doanh vàng, ngoại tệ, đất đai.

Một lý do nữa là nếu cho vay nhiều mà không huy động được sẽ dẫn đến ngân hàng mất khả năng thanh khoản. Khi khả năng thanh khoản không còn, các ngân hàng lại lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Đây là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ lạm phát quay trở lại.

Một số chuyên gia lo ngại rằng, nếu kích cầu đầu tư thông qua việc nới lỏng tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp mà thiếu sự thẩm định và giám sát thận trọng thì kết quả rất có thể nền kinh tế sẽ không phát triển như mong đợi, lạm phát “phi mã” bị kích hoạt trở lại.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Nguy cơ tái bùng phát lạm phát là có thực

Để tránh hay phá vỡ sự đóng băng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thường nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất. Năm 2007 và đầu năm 2008, chính sách nới lỏng tín dụng đã là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Để chặn lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt (đôi khi quá mạnh) chính sách tiền tệ và từ nửa cuối năm 2008, tín dụng bắt đầu giảm kéo dài đến khoảng tháng 2-2009. Cuối 2008, Ngân hàng Nhà nước đã cho nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là với việc bù lãi suất từ đầu 2009. Từ đó, các ngân hàng lại vào cuộc đua lãi suất và nguy cơ lạm phát tái bùng phát là có thực.

Do tình hình khủng hoảng toàn cầu, thời gian qua áp lực lạm phát dịu đi nên trong ngắn hạn (khoảng 3-4 tháng tới) việc lạm phát tăng cao chưa phải là vấn đề nóng bỏng. Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi hay có dấu hiệu phục hồi thì nguy cơ lạm phát tái bùng phát là rất cao và cần hết sức lưu ý để ngăn chặn.

(Theo TRẦN THANH // SGGP online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Minh bạch, cẩn trọng, hài hòa để vượt khủng hoảng
  • Vốn ODA vào Việt Nam vẫn tăng
  • TP.HCM với chiến lược thu hút vốn FDI hiệu quả
  • Môi giới bảo hiểm bao giờ… gặp thời?
  • Nhà đầu tư tư nhân: “Ông chủ mới” của hạ tầng giao thông
  • Xu hướng đầu tư mới trên thị trường bảo hiểm
  • Nhận diện 3 vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt
  • Lạm phát âm ở các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!