Lãnh đạo Bộ Tài chính trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị CG2009 |
Cùng với khủng hoảng kinh tế thế giới, việc giải ngân các nguồn vốn ODA - nguồn lực quốc tế đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam- đã bị chựng lại và bộc lộ một số bất cập.
Tại hội nghị giữa kỳ (CG2009), tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc hồi đầu tuần, các nhà tài trợ quốc tế đã tập trung phân tích thực trạng của kinh tế vĩ mô và việc triển khai ODA tại Việt Nam. Để vượt qua khủng hoảng, cần minh bạch, cẩn trọng và hài hòa hơn. Đây là những khuyến nghị quan trọng mà nhóm tư vấn các nhà tài trợ gửi tới Chính phủ.
Điểm nghẽn” ODA
Từ năm 1993 đến nay, có hơn 50 nhà tài trợ song phương và đa phương cung cấp ODA cho Việt Nam, với số vốn cam kết gần 50 tỷ đô la. 5 tháng đầu năm 2009, tổng vốn ODA được ký đã là hơn 1,46 tỉ USD (cao hơn 9% so với 6 tháng đầu năm 2008). Các dự án có giá trị lớn được ký thời gian này chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước và phát triển đô thị, như dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trị giá 410,2 triệu USD; Thoát nước TP Hà Nội giai đoạn 2 trị giá gần 300 triệu USD…
Huy động ODA rất khả quan, nhưng việc giải ngân nguồn vốn quý này lại mới chỉ đạt 720 triệu USD, bằng 38% kế hoạch năm. Rất nhiều dự án trong các lĩnh vực có liên quan tới lợi ích của đông đảo người dân như giao thông, y tế, công nghệ thông tin, được giải ngân với tiến độ rất chậm. Một số dự án chỉ đạt 19% - 20% kế hoạch năm.
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết: “Riêng nguồn vốn ADB hiện vẫn còn hơn 3,5 tỷ USD chưa giải ngân…nhưng việc mong đợi các dự án được thiết kế một cách nhanh chóng có thể giúp giải ngân nhanh và phù hợp là điều không hiện thực”.
Các chủ đầu tư các dự án phía Việt Nam đưa ra nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan để lý giải cho tiến độ chậm chạp này. Các nhà tài trợ lại chỉ ra rằng, đó chính bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu dịch vụ hậu cần của Việt Nam. Theo ông Thomas Siebert, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, điểm yếu này một phần còn do quản lý yếu kém và tham nhũng.
Ấn tượng với gói kích cầu
Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đang làm cho nhiều hộ gia định có nguy cơ tái nghèo, làm xói mòn những kết quả mà các nhà tài trợ, Chính phủ và nhiều người dân VN đã phải rất phấn đấu mới đạt được”- Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh trong bài phát biểu tại CG 2009.
Các vấn đề "nóng" thuộc cả 2 mảng sáng-tối của kinh tế Việt Nam và trong việc triển khai ODA đã được CG 2009 thảo luận.
Với các nhà tài trợ quốc tế, gói kích cầu với tổng giá trị khỏang 8 tỷ đô la và Chương trình giảm nghèo bền vững cho 61 huyện nghèo nhất nước mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai, cùng với 5 giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đã thật sự gây ấn tượng mạnh.
Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc gọi những sáng kiến đang thực hiện của Chính phủ Việt Nam là “một bước đi táo bạo nhằm đáp trả những thách thức của cuộc khủng hoảng”, mà kết quả của nó là tăng trưởng kinh tế quý I/2009 của Việt Nam vẫn đạt 3,1%, an sinh xã hội được đảm bảo.
Khủng hoảng vẫn chưa hạ màn
Tuy nhiên, ông John Hendra cũng cho rằng, nếu những sáng kiến này có thể giúp nền kinh tế thoát khỏi những tác động xấu thì chúng cũng có khả năng tạo ra những tác động tiêu cực về mặt lâu dài, như lạm phát cao, thâm hụt ngân sách tăng, thêm áp lực cho tỷ giá hối đoái. Khủng hoảng kinh tế vẫn chưa hạ màn và những thách thức ở phía trước, vì vậy Chính phủ Việt nam cần cần có những cẩn trọng cần thiết.
Những khuyến nghị hàng đầu mà ông John Hendra gửi tới Chính phủ là cần minh bạch các sáng kiến chống khủng hoảng liên quan tới tài chính, đồng thời cần quan tâm hơn tới sản xuất của khu vực tư nhân – “cỗ máy tạo việc làm” của Việt Nam. Số lao động thất nghiệp được công bố ở Việt Nam đến nay đã là hơn 67.000 người. Nếu các sáng kiến chống khủng hoảng không đủ để cải thiện tình hình của “cỗ máy tạo việc làm” này thì con số thất nghiệp vào cuối năm có thể tăng lên đến hơn 100.000 người.
Minh bạch để chống tham nhũng
Theo ông Mark Kent, Đại sứ Vương quốc Anh, “minh bạch” là điều kiện cần thiết để ngăn chặn tham nhũng - một trong những nguyên nhân khiến ODA trong thời gian qua được triển khai và giải ngân chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi của nền kinh tế.
Để minh bạch thì rất đơn giản là chúng ta giảm thiểu các thủ tục. Càng ít các thủ tục thì khả năng tham nhũng càng ít hơn. Việc đơn giản hóa các thủ tục thì sẽ có hai tác động, thứ nhất là tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu cơ hội tham nhũng nhưng mặt khác cũng làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã có một luật rất tiên tiến về chống tham nhũng nhưng điều quan trọng là chúng ta phải đảm bảo luật này được thực thi. Tôi cũng đánh giá cao vai trò giám sát của báo chí, Quốc hội, các tổ chức dân sự cũng như toàn xã hội trong việc giúp cho hệ thống nhà nước vận hành thêm phần minh bạch”- Ông Mark Kent nhấn mạnh.
Minh bạch hơn, cẩn trọng hơn, quan tâm hơn tới bộ phận sản xuất sử dụng nhiều lao động, cũng là những nội dung chính trong các khuyến nghị của đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Lắng nghe và trông đợi
Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc, thật khó để có một chính sách hoàn toàn không sơ hở và không có những người lợi dụng sơ hở đó để trục lợi. Nhưng Việt Nam luôn lắng nghe, suy xét, điều chỉnh kịp thời để hoàn thiện chính sách. Ông cũng khẳng định Chính phủ Việt nam luôn hướng đến người nghèo và đồng ý cần phải có một cuộc điều tra chi tiết, chính xác hơn về mức sống hộ gia đình ở Việt Nam. Bộ Kế hoạch - đầu tư đang thực hiện một chương trình cải tiến công tác điều tra thống kê để cung cấp những số liệu cập nhật và chính xác hơn.
Kết quả vận động ODA đã được thấy rõ ở CG 2009, đó là sự đồng thuận cao của các nhà tài trợ. “Tôi xin khẳng định lại sự tiếp tục ủng hộ của chúng tôi giành cho việt Nam và cam kết của chúng tôi là để đảm bảo rằng Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách an toàn và tiếp tục đạt được những thành tựu kinh tế”- đại diện của IMF nói.
Bà Victoria Kwakwa: "Cải cách là cần thiết nhất" |
Chúng tôi muốn nói đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, không chỉ là các dự án viện trợ ODA mà cả các chương trình đầu tư công. Do đó, cải cách là điều cần thiết nhất. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam và khẳng định rằng Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa.”- Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam khẳng định.
Hiện thực hơn, Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba cho biết, sang tuần thứ 3 của tháng 6 này, Nhật Bản có thể sẽ công bố một số khoản viện trợ mới cho Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, Nhật Bản cũng sẽ hợp tác toàn diện với Việt Nam trong phòng chống tham nhũng, đảm bảo các nguồn vốn ODA được thực hiện có hiệu quả./.
(Theo Dương Đình Tuấn/VOV)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com