TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Không phải đến khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TP.HCM mới bắt tay vào việc tranh thủ nguồn vốn từ nước ngoài mà từ những năm trước, TP.HCM đã có nhiều chính sách, giải pháp và chiến lược để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả. Đến nay, TP.HCM không những đã thu hút được nhiền vốn, mà quan trọng hơn là thu hút nguồn vốn theo đúng định hướng phát triển của mình.
Thành công từ những hướng đi đúng
Năm 2008, TP.HCM đã thu hút được 8,802 tỷ USD vốn FDI, gấp 3,02 lần so với năm trước và là năm đạt cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này là nỗ lực rất lớn từ phía Thành ủy, UBND TP.HCM trong công tác chỉ đạo, nỗ lực cải tiến thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư của các cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, TP.HCM đã áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư ở một số ngành trọng điểm như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Intel tại Khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh cho dự án xây dựng Khu y tế kỹ thuật cao Việt Nam tại quận Bình Tân của Tập đoàn Shangrila HealthCare (Singapore)…, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Trong xúc tiến đầu tư có sự phối hợp tốt giữa các Sở, ngành hữu quan. Công tác lập quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu đô thị mới như: khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Cảng Hiệp Phước, khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi, khu đô thị mới Nam Thành phố cũng được đẩy mạnh để tạo sự sẵn sàng về hạ tầng cho các nhà đầu tư.
Về các nước đầu tư có sự thay đổi rõ nét so với năm 2007. Với 35 dự án, vốn đầu tư 4,772 tỷ USD đã đưa Malaysia vươn lên xếp hạng 1/42 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM. Xếp thứ hai là Singapore với 76 dự án, vốn đầu tư 2,036 tỷ USD. Tiếp đến là Nhật Bản (41 dự án, 639 triệu USD), British Virgin Island (21 dự án, 408 triệu USD), Hồng Kông (23 dự án, 138 triệu USD), Hàn Quốc (127 dự án, 123 triệu USD)... Số liệu này cho thấy nguồn vốn đến từ các nước trong khu vực đang tăng mạnh.
Không chỉ thành công trong việc thu hút được nguồn vốn lớn, TP.HCM còn thu hút được nhiều dự án lớn như: dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya của nhà đầu tư Malaysia với 3,5 tỷ USD, dự án Công viên Tri thức Việt – Nhật tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với 610 triệu USD. Điều này đã chứng tỏ nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn coi Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng.
Đáng chú ý hơn là TP.HCM đã đi đúng hướng trong thu hút vốn đầu tư đi đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà thành phố đã đề ra. Cụ thể qua 20 năm (từ năm 1988 đến năm 2008), có 3.147 dự án đầu tư vào TP.HCM còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 25,7 tỷ USD. Trong đó, số dự án kinh doanh bất động sản là 792 dự án (chiếm 25,17% tổng số dự án) với vốn đăng ký hơn 7 tỷ USD (chiếm 27,92%) tổng vốn. Còn số dự án thương mại – dịch vụ đạt cao hơn, đến 939 dự án (chiếm 29,84%) với số vốn hơn 11 tỷ USD (chiếm 42,92%). Gần đây, TP đã xúc tiến, kêu gọi được nhiều nhà đầu tư đầu tư vào nhiều dự án có quy mô vốn lớn trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao và giáo dục y tế…
Để đạt được những kết quả này, TP.HCM đã rất nỗ lực trong việc chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư từ khi bắt đầu cho đến khi triển khai dự án; quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền thông qua nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền thành phố, các Sở, ngành với các doanh nghiệp qua các chương trình hội nghị, hội thảo để tìm hiểu về những đề xuất và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống Mạng đối thoại Doanh nghiệp của thành phố và website của Sở, ngành đã tiếp nhận và trả lời các vấn đề về thủ tục đầu tư, điều kiện đối với các ngành dịch vụ theo cam kết WTO, thủ tục đăng ký kinh doanh, thông tin về chính sách thuế, lao động, các quy định về xuất nhập khẩu… Hệ thống Mạng đối thoại doanh nghiệp đã trở thành kênh thông tin liên lạc hiệu quả, kết nối hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hướng đến môi trường đầu tư thân thiện
Theo dự báo của nhiều cơ quan nghiên cứu, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể còn kéo dài ít nhất đến quý III năm 2009 và tác động của nó tới kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới nói chung và đầu tư vào TP.HCM nói riêng sẽ không nằm ngoài tác động của cuộc khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được tăng cường. Trước hết, về môi trường pháp lý, cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, nhất là các quy định còn thiếu, chưa rõ ràng và chưa nhất quán giữa các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; sớm ban hành các quy định cụ thể về mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO...
TP.HCM hiện vẫn có nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu năm 2009, thành phố làm tốt và phát huy tích cực các tiềm năng này thì nguồn vốn FDI trong năm tới sẽ ít bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì tính riêng dự án bán đảo Thanh Đa, quy mô 427ha đã có thể thu hút hơn 5 tỷ USD.
Ngoài ra, TP.HCM còn có nhiều khu đô thị mới với quy mô lớn như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm quy mô 737ha, Khu đô thị Tây Bắc – Củ Chi quy mô 6.000ha, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước – Nhà Bè 3.600ha. Và một số dự án khác đang chuẩn bị để kêu gọi đầu tư cũng như một số dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ được các nhà đầu tư quan tâm như xây dựng trường học, y tế, sẽ góp phần vào nguồn vốn FDI thu hút vào TP trong năm tới.
Ngoài ra, TP.HCM cũng nỗ lực đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư bằng việc tiến hành rà soát các điều kiện đầu tư, ban hành nhiều văn bản quy định về đầu tư…/.
(Theo Bài & ảnh: Nguyễn Hòa Bình/VOV)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com