Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Lật đổ” USD, chuyện không dễ?

picture
Sự điều chỉnh của tỷ giá USD hiện nay không chỉ là một câu chuyện theo lẽ tự nhiên, mà còn đem lại lợi ích.

Tin đồn về việc một số quốc gia đang tính chuyện chấm dứt dùng USD cho giao dịch dầu lửa đã góp phần đẩy tỷ giá USD trượt mạnh trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, nhà bình luận Martin Wolf của tờ Financial Times (Anh) cho rằng, rất khó để có thể dùng một đồng tiền khác hay một rổ tiền tệ nào đó để thay thế USD ở vai trò đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất tới nay.

Có nhiều lý do dẫn tới sự trượt giá của USD trong thời gian qua, gồm sự leo thang mãnh liệt của giá vàng, những tin đồn trên thị trường tài chính, và những ý kiến cho rằng, địa vị của đồng tiền này không còn như xưa, rằng hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên USD có nhiều thiếu sót và đã đến lúc đi tìm một sự thay thế mới.

USD còn mạnh...

Trên thực tế, tỷ giá đồng USD đã tăng mạnh trong khoảng thời gian mà thị trường tài chính chao đảo mạnh nhất trong lần khủng hoảng này, khi giới đầu tư xem “bạc xanh” là “vịnh tránh bão”. Trong thời gian từ tháng 7/2008-3/2009, tỷ giá USD đã tăng 20%.

Tuy nhiên, khi niềm tin trở lại với thị trường, xu hướng lên giá này của USD đã bị đảo ngược. Đồng tiền này quay đầu trượt giá trở lại vì giới đầu tư tìm đến với những kênh đầu tư có độ rủi ro cao hơn trước những tín hiệu kinh tế lạc quan. Như vậy, có thể nói, sự suy yếu của USD thời gian này là một dấu hiệu của sự đi lên chứ không phải là đi xuống của kinh tế.

Sự leo thang của giá vàng cũng được nhiều người xem là một dấu hiệu cho thấy thế giới đang từ bỏ đồng tiền của nước Mỹ. Từ đầu thập kỷ này tới nay, giá vàng thế giới đã tăng 4 lần. Tuy nhiên, giá vàng không phải là một hàn thử biểu “chuẩn” của những rủi ro lạm phát. Chẳng hạn, giá vàng đạt có lần đạt đỉnh vào tháng 1/1990, ngay trước khi tỷ lệ lạm phát ở Mỹ lao dốc mạnh.

Giá vàng cao phản ánh những nỗi sợ hãi chứ không phản ánh những gì đang diễn ra trên thực tế. Trên thị trường tài chính, không phải ai cũng “sợ” USD và mua vàng. Hiện nay, Chính phủ Mỹ vẫn có thể phát hành trái phiếu và vay vốn với mức lãi suất 4,2%/năm trong 30 năm và 3,4%/năm trong 10 năm.

Trong cuộc khủng hoảng này, những kỳ vọng lạm phát - thể hiện qua khoảng cách về lợi suất giữa các loại chứng khoán thông thường và những loại chứng khoán có đảm bảo chống lạm phát (một dạng đặc biệt của trái phiếu kho bạc Mỹ) - đã giảm về 0. Khoảng cách này hiện đã tăng trở lại, và có thể được xem là sự thành công của các chính sách chống suy thoái, mặc dù vẫn đang ở mức thấp hơn trước khi khủng hoảng xảy ra.

Có thể nói, mối lo ngại trước mắt tại Mỹ và trên thế giới, xét tới sự dư thừa công suất của các nhà máy hiện nay, là tình trạng giảm phát chứ không phải là lạm phát.

Sự điều chỉnh của tỷ giá USD hiện nay không chỉ là một câu chuyện theo lẽ tự nhiên, mà còn đem lại lợi ích. Sự giảm giá này của USD sẽ giúp hạ thấp rủi ro giảm phát ở nước Mỹ và thúc đẩy quá trình thu hẹp những mất cân đối toàn cầu - một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.

Chuyên gia Fred Bergsten thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ đã nhận xét rằng “những ròng vốn khổng lồ từ bên ngoài đổ vào nước Mỹ đã tạo điều kiện cho hoạt động vay nợ thái quá và xem thường rủi ro”.

Sự mất giá của USD cũng sẽ giúp nước Mỹ xuất khẩu thuận lợi hơn, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và giảm thâm hụt thương mại của nước này.

Và cuối cùng, đồng tiền hay rổ tiền tệ nào có thể thay thế USD?

Trừ phi và cho tới khi nào Trung Quốc tháo neo đồng Nhân dân tệ khỏi USD, thì đồng Euro vẫn là đối thủ nặng ký nhất của USD. Hiện tại, 65% dự trữ ngoại hối của thế giới là USD, và 25% là Euro. Chắc chắn sẽ có một số chuyển biến trong những con số này, vì khu vực sử dụng đồng Euro cũng có thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ cao, nhưng sự chuyển biến có thể sẽ diễn ra chậm chạp. Đồng USD có thể ngự trị thêm 30 năm nữa, trong khi số phận của Euro thì khó đoán hơn.

Như vậy, nguy cơ sụp đổ của đồng USD là nhỏ, và khả năng đồng tiền này bị thay thế bởi một đồng tiền khác trong dự trữ ngoại hối của thế giới còn nhỏ hơn.

...nhưng vẫn cần thay thế!

Tuy nhiên, hệ thống tiền tệ toàn cầu chỉ dựa trên đồng tiền của một quốc gia đơn lẻ là có vấn đề, đối với cả nước phát hành và các đối tượng sử dụng đồng tiền đó. Những rủi ro cũng đang xuất hiện, đặc biệt với sự nổi lên của hoạt động quản lý tỷ giá hối đoái của các đồng tiền so với USD.

Vào thập niên 1960, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Bỉ Robert Triffin đã lập luận rằng, một hệ thống tiền tệ toàn cầu dựa trên USD là có thiếu sót. Thiếu sót đó là mức thanh khoản gia tăng mà thế giới muốn hướng tới sẽ khiến thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ tăng. Sớm muộn gì, sự đeo đẳng của thâm hụt này sẽ xói mòn niềm tin vào đồng USD.

Sự tiến thoái lưỡng nan mà Triffin đưa ra như vậy đã đúng khi hệ thống Bretton Woods cho phép chuyển đổi USD sang vàng sụp đổ vào năm 1971.

Về lý thuyết, dự trữ ngoại hối của thế giới có thể được tạo ra nếu quốc gia phát hành đồng tiền chủ chốt vay nợ ngắn hạn và thực hiện cho vay dài hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu gia tăng dự trữ của các quốc gia đã tạo ra thâm hụt cán cân vãng lai ở nước phát hành.

Trong chế độ tỷ giá thả nổi, việc tích lũy dự trữ cũng là điều không cần thiết. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính của thập niên 1990, các nước mới nổi lên nhận thấy sự cần thiết phải theo đuổi mô hình tăng trưởng hướng ra xuất khẩu và tự chuẩn bị để chống lại các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Do vậy, 3/4 dự trữ tiền tệ của thế giới đã được tích lũy ngay trong thập kỷ này.

Tuy vậy, sự tìm kiếm ổn định này lại có nguy cơ gây ra những bất ổn định trong dài hạn.

Nước Mỹ luôn nêu cao khẩu hiệu đồng USD mạnh, nhưng trên thực tế, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) hiện không hề giúp bảo toàn giá trị USD so với các đồng tiền khác. Bởi vậy, những nước dự trữ nhiều tài sản bằng USD nếu muốn duy trì giá trị kho của cải của mình sẽ chỉ còn cách hỗ trợ cho tỷ giá USD, mà trong dài hạn, cách làm này hoàn toàn không có lợi cho nước áp dụng vì sẽ đe dọa tới sự ổn định chính sách tiền tệ của nước đó.

Ở điểm này, những mối lo ngại trên diện rộng về sự ổn định của chính sách tiền tệ Mỹ và vai trò của USD trên thế giới gặp nhau.

Về chính sách tiền tệ Mỹ, đề xuất chuẩn mực là cần bảo đảm cả sự độc lập của FED và năng lực thanh toán nợ trong dài hạn của nước này. Nếu thị trường trở nên lo ngại về một trong hai vấn đề này, hoặc tệ hơn là cả hai, thì một cuộc khủng hoảng có thể nổ ra. Đồng USD khi đó sẽ lao dốc mạnh và lãi suất dài hạn sẽ tăng vọt.

Trong một cuộc khủng hoảng như vậy, FED sẽ trở nên kém độc lập hơn và buộc phải mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Và những động thái như vậy càng làm cho sự tháo chạy khỏi USD tăng tốc.

Bởi vậy, hai tiền đề then chốt cho sự ổn định dài hạn là một ngân hàng trung ương độc lập và khả năng thanh toán nợ liên bang, mà hai điều này dường như đều nằm trong tầm kiểm soát của nước Mỹ.

Nhưng mọi chuyện chỉ như vậy thì quá đơn giản. Phần lớn các nhà phân tích tin rằng, tình hình tài khóa của nước Mỹ có thể được quyết định mà không chịu ảnh hưởng bởi những quyết định đưa ra đâu đó bên ngoài nước này. Nhưng nếu như khu vực tư nhân của Mỹ chuẩn bị bước vào một thời kỳ dài hạn cắt giảm nợ nần (và chi tiêu ít đi nhiều so với thu nhập), trong khi phần còn lại của thế giới muốn tích lũy các loại tài sản bằng USD để làm dự trữ ngoại hối, thì Chính phủ Mỹ sẽ tự nhiên nổi lên trở thành người đi vay cuối cùng.

Một hệ quả của sự tiến thoái lưỡng nan mà Triffin đã chỉ ra chính là vai trò quốc tế của đồng USD có thể khiến nước Mỹ gặp khó trong việc quản lý chính sách tài khóa của họ một cách thành công, thậm chí cả khi nước Mỹ muốn làm được điều này.

Bởi vậy, có thể nói, vai trò quốc tế của đồng USD không nằm trong lợi ích của nước Mỹ. Do đó, khả năng thế giới chuyển sang một hệ thống khác là rất lớn, không phải vì vai trò của USD hiện đang bị đe dọa, mà là do sự ngự trị của USD ảnh hưởng bất lợi tới cả sự ổn định bên trong và bên ngoài nước Mỹ. Đã đến lúc phải có sự thay đổi.

 

(Theo Kiều Oanh // VnEconomy // Financial Times)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chưa yên tâm với đầu tư nhà nước
  • Thị trường mua bán nợ, bao giờ?
  • Giảm rủi ro cho ngân hàng : Cần giải pháp tổng thể
  • Lợi nhuận ngân hàng tìm sự “đồng cảm”
  • Ngân hàng Credit Suisse: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,5% vào 2010
  • Các ngân hàng tăng lãi suất huy động:Do thiếu vốn, hay giữ khách ?
  • Đánh giá hiệu quả gói kích thích kinh tế
  • Gói hỗ trợ lãi suất: 91% doanh nghiệp được cứu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!