Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tại các NHTM trong tuần qua lãi suất huy động USD có xu hướng giảm nhẹ ở các kỳ hạn.
Sau đó, các NH lại tiếp tục rơi vào trạng thái khan hiếm USD để bán cho doanh nghiệp (DN) cho dù tỷ giá USD tại các NH được niêm yết ở mức kịch trần. Trong khi đó, trên thị trường tự do giá USD liên tục tăng và hiện vẫn đứng ở mức cao...
Giá USD lên, không xuống!
Kể từ khi NHNN có quyết định nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND luôn vượt mức 18.000 đồng/USD. Vào ngày 11-4, giá USD/VND được đưa lên mức cao kỷ lục 18.000 - 18.300 VND/USD (mua vào - bán ra). Cho đến cuối tuần qua (26-4), mặc dù tỷ giá USD có giảm nhẹ so với những tuần trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tỷ giá USD/VND được giao dịch trong ngày 26-4 là 18.150 - 18.250 đồng/USD, (giá mua tăng 15 đồng/USD, giá bán giảm 50 đồng/USD). Với mức giá này, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do cao hơn 466 đồng so với giá niêm yết trong NHTM (mua, bán chỉ có 17.784 VND/USD).
Anh H. chủ một cửa hàng kinh doanh vàng khu vực chợ TX.TDM cho biết, vài ngày gần đây dù đã thu hẹp khoảng cách mua bán USD theo hướng tăng giá mua vào, song lượng USD thu mua được rất ít. Những người có nhu cầu thật sự mới bán USD trong lúc này, nhưng họ bán ra rất dè dặt và với số lượng rất nhỏ, còn khách có nhu cầu mua thật ra không nhiều. Theo các chủ tiệm vàng, thu gom USD lúc này rất khó, tuy nhiên nếu khách cần họ vẫn có thể đáp ứng được ngay, nhưng khách phải chốt giá ngay tại thời điểm đặt mua và mỗi khi có đợt khách hàng mua gom, giá USD lập tức vọt lên rồi lại hạ xuống!
Nguyên nhân USD tăng giá
Việc nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% đã phần nào giải quyết tình trạng căng thẳng về USD của các NH, nhưng chỉ duy trì được mức giá mua thấp hơn giá bán trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3, sau đó lại rơi vào trạng thái khan hiếm, khiến tình trạng giá mua bằng giá bán lặp lại như trước khi biên độ tỷ giá được nới rộng. Các NH như VCB, Eximbank, ACB... luôn niêm yết tỷ giá USD kịch trần trong biên độ cho phép so với tỷ giá liên NH công bố trong ngày và áp cùng một giá cho cả 3 loại giao dịch mua vào, chuyển khoản và bán ra, phổ biến quanh mức 17.783 - 17.788 VND/USD.
Có nhiều nguyên nhân khiến USD tăng giá và trở nên khan hiếm trong thời gian gần đây, thứ nhất là do xuất hiện tình trạng vàng lậu vào thị trường Việt Nam khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới; thứ 2 là nguồn USD vào NH bị hạn chế theo diễn biến đi lên của USD trên thị trường tự do, vì tỷ giá niêm yết của NH luôn thấp hơn giá thị trường tự do. Trong khi đó, nhu cầu mua USD thanh toán hợp đồng nhập khẩu tăng mạnh. Hiệu ứng này lan tỏa càng kích thích tâm lý đầu cơ USD trong dân chúng, khiến nguồn cung càng khan hiếm. Trong bối cảnh lãi suất cơ bản giảm mạnh, cộng với ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa chấm dứt thì nhiều người vẫn cố nắm giữ ngoại tệ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ có thể nhận thấy rất rõ khi lượng USD gửi vào NH trong 3 tháng qua không giảm, dù lãi suất huy động đã xuống rất thấp (kỳ hạn 12 tháng lãi suất từ 3,1%/năm giảm chỉ còn 2%/năm). Điều này chứng tỏ tâm lý nắm giữ USD kỳ vọng tỷ giá tăng là rất phổ biến.
Bên cạnh đó, lượng ngoại tệ mà DN bán cho NH lại rất khiêm tốn. Theo nhận định chung của các NH, DN xuất khẩu thừa USD vẫn chưa muốn bán ngay khi có nguồn thu vì sợ sau này khó mua lại khi có nhu cầu và kỳ vọng tỷ giá USD sẽ tăng cao. Trong khi đó DN nhập khẩu vẫn thiếu hoặc khó mua được USD do NH không đủ đáp ứng. “Hiện tại, nguồn cung - cầu USD của NH đang mất cân đối và đã bị hụt từ 20-30% so với trước thì lấy đâu ra USD đáp ứng đủ nhu cầu DN”, Trưởng phòng Quan hệ khách hàng BIDV - Chi nhánh Bình Dương, cho biết.
Một nguyên nhân khác là mặc dù nhu cầu USD tăng cao nhưng nhiều NHTM cho biết các DN nhập khẩu lại không chịu vay ngoại tệ vì sợ rủi ro do biến động tỷ giá, hơn nữa lại không được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ. Chính điều này dẫn tới các NH hiện đang dư thừa nguồn USD huy động, nhưng khan hiếm nguồn USD để bán. Và, một khi DN khó mua USD, NH tăng giá mua thì tỷ giá giao dịch USD trên thị trường tự do tăng là điều chắc chắn.
Theo TRÚC HUỲNH / báo binhduong
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com