Trong một cuộc hội thảo gần đây, TS.Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đặt dấu hỏi vì sao lãi suất thị trường cao thế mà mấy ngân hàng thương mại (NHTM) lớn mua nhiều trái phiếu chính phủ (TPCP). Có phải do thừa vốn?.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, NFSC cho rằng tình trạng thiếu thanh khoản cục bộ vẫn diễn ra rất căng thẳng trong hệ thống ngân hàng khiến lãi suất ngân hàng không những không giảm được mà còn đẩy mặt bằng lãi suất cao một cách không bình thường.
Cũng theo NFSC, trong khi đó các NHTM lớn lại đang thừa vốn với dòng tiền dư thừa khá lớn. Biểu hiện là các NHTM lớn đã mua rất nhiều TPCP khiến những tháng trước, tỷ lệ trúng thầu TPCP rất cao, có phiên trúng thầu tới 100%. Ông đã dẫn ra con số 32.000 tỷ đồng TPCP được các NHTM mua trong tổng số 42.000 tỷ đồng TPCP đã phát hành tính lũy kế đến 30/6/2011.
Trả lời câu hỏi: NFSC có mâu thuẫn với chính mình không khi đưa ra hai nhận định về tình trạng căng thẳng thiếu vốn và hiện tượng thừa vốn nên mua trái phiếu để hưởng lãi suất thấp?", ông Nghĩa cho biết, NFSC phân tích, một số NHTM nhỏ vẫn khó khăn vì thanh khoản nên vẫn huy động với lãi suất cao kèm theo cả những hình thức khuyến mại khác.
Tuy NHTM lớn thừa tiền, nhưng ở đầu vào, để giữ chân khách hàng nên vẫn phải đưa ra lãi suất huy động sát với mức lãi suất của các NHTM nhỏ. Ở đầu ra room tín dụng đã sử dụng hết, cho vay bất động sản bị khống chế; lãi suất cho vay cao quá, quá sức vay của nhiều DN nên cầu tín dụng giảm chỉ bằng 0,29% so với cuối năm 2010. Vì vậy mua TPCP tuy được hưởng lãi suất thấp nhưng lại là một cách để giảm lỗ mặc dù vẫn lỗ.
Một vấn đề cũng được đặt ra: Tại sao vốn thừa nhưng lãi suất không giảm? “Vì đã huy động cao thì phải cho vay cao. Đó là nỗi khổ ngân hàng lớn”, ông Nghĩa nói. Ông phân tích thêm, với tỷ lệ hàng tồn kho tăng, sức tiêu thụ giảm, nhiều DN hoạt động cầm chừng không tăng đầu tư, nên cũng chưa mạnh dạn vay vốn lớn. Như vậy vốn dư thừa do vế cầu tín dụng giảm chứ không phải do vế cung tiền tăng.
Thực tế cho thấy, trong khi một số NHTM thừa thanh khoản, một số khác lại thiếu thanh khoản trầm trọng tới mức phải huy động bằng mọi giá và làm cho rủi ro liên tục tăng cao. Tình trạng này sẽ khiến cho đồng vốn thì không có đầu ra nhưng sản xuất thì vẫn thiếu vốn, tăng trưởng kinh tế bị đình đốn à còn làm rủi ro nợ xấu ngân hàng ngày càng lớn.
Cũng theo ông Nghĩa, nợ xấu ngân hàng tăng trung bình 8,5%/ tháng (nợ xấu bình quân tháng năm 2010 chỉ có tăng bình quân 3,6%). Ông Nghĩa cho rằng, nếu phát hành đủ cả 95.000 tỷ đồng TPCP như kế hoạch năm, là đã gián tiếp làm cung tín dụng tăng, tạo áp lực cho lạm phát. “Không tính khoản tiền mua TPCP của NHTM vào hạn mức tăng trưởng tín dụng là kẽ hở trong việc chống lạm phát”.
Linh Chi
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. StockBiz sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(StockBiz )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com