FDI tới hết tháng 11/2008 vào Việt Nam đã đạt con số trên 60 tỷ USD, một bước tăng trưởng rất mạnh. Cùng với làn sóng đầu tư này nhân lực cho ngành kiểm toán cũng đòi hỏi ngày càng nhiều. Tuy nhiên số người có chứng chỉ hành nghề kiểm toán chuyên nghiệp được quốc tế công nhận ở Việt Nam vẫn rất ít.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện ở Việt Nam số người theo học và tham dự các kỳ thi cấp chứng chỉ đang tăng lên song số người vượt qua được các kỳ thi tuyển và được cấp chứng chỉ mới chỉ khoảng trên 200 người.
Rất cần nhưng thiếu
Hiện nay hệ thống chứng chỉ kiểm toán chuyên nghiệp và được công nhận rộng rãi trên thế giới bao gồm ACCA, CPA và CAT. Bằng ACCA là một chứng chỉ nghề nghiệp có giá trị công nhận trình độ hành nghề của kiểm toán viên và có thể coi là tấm hộ chiếu quốc tế về chuyên môn trong lĩnh vực tài chính – kế toán. Tuy nhiên để có được chứng chỉ này, các ứng viên phải vượt qua các kỳ thi sát hạch bằng tiếng Anh. Chính vì vậy, số người theo học hiện đã lên tới trên 3.000 nhưng số người thi được cấp chứng chỉ mới chỉ vài trăm.
UBCK NN cho biết, trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay, số lượng Cty đủ điều kiện kiểm toán cho các DN niêm yết còn rất ít do nhân lực không đáp ứng đủ chuyên môn. Đối với các DN kiểm toán chuyên nghiệp, số lượng người có các chứng chỉ kể trên cũng khá hiếm. Chính vì vậy năng lực của các DN kiểm toán vẫn chịu nhiều hạn chế về nhân lực và chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hợp tác đào tạo là đường ngắn nhất
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Vang - Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) đang là một hiệp hội kế toán - kiểm toán lớn và có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. ACCA hiện có 115.000 hội viên và 296.000 người đang trong giai đoạn hoàn tất các yêu cầu để được là hội viên chính thức tại 170 quốc gia trên thế giới. Năm 2002, ACCA chính thức đặt văn phòng đại diện tại TP HCM và trở thành tổ chức nghề nghiệp Kế toán quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. ACCA có thể xem như một giải pháp để hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân lực tài chính - kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. Chính vì vậy mở rộng hợp tác đào tạo với các đối tác có uy tín trên thế giới là xu hướng và con đường ngắn nhất để nhanh chóng cập nhật, nâng cao chất lượng cho đào tạo trong nước.
Đại diện của Sunway TES (Malaisia) đang triển khai chương trình hợp tác với Đại học Hà Nội đào tạo luyện thi chứng chỉ ACCA cho biết: Trước đây nhiều sinh viên du học nước ngoài về phải mất một thời gian mới hoà nhập được với thực tế do các chương trình đào tạo tại nước ngoài không được thiết kế phù hợp với Việt Nam. Đào tạo trong nước theo phương thức hợp tác hiện nay, các chương trình học ngoài việc theo chuẩn quốc tế còn giảng dạy và thiết kế trên cơ sở yêu cầu đặc thù do đó tính thích nghi rất cao của sinh viên ra trường.
Sẽ tiếp tục thiếu
Mặc dù được thiết kế rất linh hoạt để các học viên có thể tham gia dễ dàng như điểm thi được bảo lưu trong vòng 10 năm, không giới hạn số lần thi lại... Kỳ thi ACCA được tổ chức 2 lần/năm vào tháng 6 và tháng 12, với cùng giờ thi và đề thi áp dụng cho 340 trung tâm thi cố định trên toàn thế giới. Song để dành được chứng chỉ ACCA, học viên phải mất 3-4 năm. Một số DN kiểm toán tuyên bố rất sẵn sàng đầu tư kinh phí đào tạo với điều kiện nhân viên phải cam kết ở lại làm việc. Bản thân ACCA cũng thiết kế một chương trình đào tạo ngắn gọn hơn như các khóa học (lấy chứng chỉ CAT) cho phép rút ngắn thời gian đi một nửa để giải bài toán thiếu nhân lực.
Tuy vậy, với tốc độ đào tạo hiện nay, VN sẽ tiếp tục thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao cho ngành tài chính - kế toán và kiểm toán.
(Theo dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com