Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tín dụng: những câu hỏi chờ giải đáp

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã bắt đầu giảm nhiệt sau những động thái điều hành mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Lê Toàn.

Ảnh hưởng bởi những động thái điều hành mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt. Mối quan tâm của doanh nghiệp hiện nay là nhiệt giảm đến mức nào và điều gì có thể xảy ra với cơ chế lãi suất trong những tháng còn lại của năm.

Động thái mạnh

Như đã thông báo với các ngân hàng trong cuộc họp cuối tháng 10-2009 tại TPHCM, tuần trước NHNN có công văn gửi tất cả các tổ chức tín dụng về việc sử dụng vốn vay liên ngân hàng. Theo đó, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng hiện nhỏ hơn vốn vay và nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác.

Như vậy một số ngân hàng đã sử dụng vốn vay liên ngân hàng để cho vay lại đối với các tổ chức, cá nhân. Điều này đi ngược lại quy định tại chỉ thị 01 ngày 22-5-2009 của Thống đốc NHNN.

Để đảm bảo an toàn thanh toán của hệ thống ngân hàng, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định của chỉ thị 01, xây dựng phương án xử lý dứt điểm việc huy động và sử dụng vốn liên ngân hàng trong tháng 11-2009. Hàng loạt ngân hàng có tổng vốn huy động nhỏ hơn tổng dư nợ đã phải giải trình với NHNN, kể cả không ít các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo các ngân hàng phải giải trình, hai biện pháp mà họ áp dụng là tăng cường thu hồi nợ vay đến hạn và phát hành kỳ phiếu, trái phiếu nhằm có thêm nguồn vốn huy động dài hạn. Tuy nhiên, lãi suất của kỳ phiếu, trái phiếu cũng không thể vượt quá mức 10%/năm, không cao hơn lãi suất tiết kiệm, nên khó thu hút người mua.

Những ngân hàng thừa vốn, đang cho vay trên thị trường liên ngân hàng, đã rút vốn về đề phòng thanh khoản. Các ngân hàng đang vay thì lo nguồn trả nợ. Cách duy nhất để tăng vốn huy động là tăng tiết kiệm từ dân cư.

Ngay lập tức, nhiều ngân hàng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn lên mức tối đa. Lãi suất tiết kiệm của Habubank từ 1-3 tháng đồng loạt là 9,99%/năm. Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp mạnh lên, lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn của ngân hàng sẽ cùng đứng ở mức 9,999%/năm, kể cả lãi suất không kỳ hạn. Lệch pha số liệu tăng trưởng tín dụng

Website của NHNN ngày 6-11-2009 cho biết trong tháng 10 tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng tăng 1,85% so với tháng 9, tín dụng tăng 2,04%. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 lên tới 33,29% so với cuối năm 2008. Căn cứ vào số liệu mới này, thì tăng trưởng tín dụng chín tháng đầu năm phải trên 31%, chứ không phải chỉ có 28% như NHNN công bố trong cuộc họp tại TPHCM và trên chính website của NHNN trước đó.

Chỉ chín tháng, tăng trưởng tín dụng đã vượt chỉ tiêu cả năm (chỉ tiêu này đã được điều chỉnh nhiều lần, từ mức 21-22% ban đầu). Còn nếu căn cứ vào mức 28% công bố trước đó, tín dụng tháng 10-2009 đã tăng hơn 5%, quả là quá cao.

Trong bối cảnh các ngân hàng đang tích cực thu hồi nợ và giải ngân các hợp đồng tín dụng đang giảm xuống, con số tăng trưởng 2,04% của tháng 10 tỏ ra thuyết phục hơn. Nó phù hợp với tình hình tín dụng đang giảm nhiệt. Do đó khoảng cách chênh lệch tăng trưởng tín dụng hơn 3% của chín tháng đầu năm do NHNN công bố đang khiến dư luận băn khoăn về độ chính xác của nó.    

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ “bùng nổ”?

Một khi tăng trưởng tín dụng đã vượt chỉ tiêu, việc kìm hãm nó để đưa về mức hợp lý nhằm ngăn chặn khả năng trở lại của lạm phát đòi hỏi phải có những giải pháp chế tài. Song, sự chế tài nếu không thấu tình đạt lý, nó vẫn cứ xảy ra.

Ba tháng đầu năm nay tín dụng tăng trưởng ở mức rất thấp. Từ tháng 4 đến tháng 7, tín dụng tăng liên tục với tốc độ cao. Sang tháng 8 đến tháng 10 nó bắt đầu tăng thấp dần. Sự biến động của tăng trưởng tín dụng phụ thuộc hoàn toàn vào việc giải ngân gói kích cầu bù lãi suất.

Cho đến nay, số tiền dành cho bù lãi suất vẫn chưa sử dụng hết, mà tín dụng đã vượt chỉ tiêu. Đây chính là góc độ cần phải được nhìn nhận thấu đáo để có một lộ trình thích hợp sử dụng gói kích cầu thứ hai, trong đó có phần vay vốn lưu động ngắn hạn với mức bù lãi suất 2%/năm kéo dài đến 30-3-2010.

Tổng thể mặt bằng tín dụng sắp tới sẽ như thế nào? Vốn cho kích cầu bù lãi suất 4%/năm vẫn còn, 2%/năm sắp có, nghĩa là tiền đang sẵn. Lãi suất cơ bản không thay đổi và tăng trưởng tín dụng bắt buộc phải kiềm chế. Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và nhu cầu đang tăng. Tiền có - lãi suất hấp dẫn - khách hàng muốn vay - nhưng ngân hàng phải cho vay hạn chế.

Sự cộng hưởng của bốn yếu tố này giống như cửa hàng mậu dịch thời bao cấp treo những chiếc áo “hàng mẫu không bán”. Người ta có tiền mua áo, cần áo để mặc, áo giá rẻ nhưng chỉ bán số lượng có hạn. Để mua được áo hay vay được vốn, anh phải trả giá (lãi suất) cao hơn dưới những hình thức khác nhau.

Ngoài tín dụng, các doanh nghiệp còn kênh nào khác để tiếp cận nguồn vốn? Một trong những phương thức khả thi là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ là người bảo lãnh phát hành và người mua. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn sẽ cao hơn trần lãi suất 10,5%/năm mà tổ chức tín dụng được phép cho vay hiện tại.

Vừa qua một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với lãi suất 12%/năm. Trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất của nó không thuộc phạm vi điều hành, quản lý của NHNN. Chỉ có điều, khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao, thì lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ ra sao? Bộ Tài chính làm thế nào phát hành được 56.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ như chỉ tiêu vừa trình Quốc hội xem xét? Đây là những câu hỏi thị trường đang chờ lời giải đáp.

(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ngân hàng không dễ mở rộng mạng lưới
  • Ngân hàng “đi đêm” tìm vốn?
  • Tăng trưởng tín dụng vượt hạn mức cả năm: Siết mạnh tín dụng cuối năm
  • Công ty bảo hiểm của ngành :Tính sao với quản trị rủi ro?
  • Chính sách tỷ giá - cần giải pháp kỹ trị
  • Việt Nam có 2 rủi ro lớn
  • Đòn bẩy tài chính: Quản lý thế nào?
  • TS. Lê Văn Hinh: Cơ hội tái cơ cấu các ngân hàng thương mại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!