Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trước cánh cửa 2011: Ngân hàng ngoại ghi dấu ấn

Chỉ trong một thời gian ngắn, các ngân hàng nước ngoài đã có bước phát triển mạnh, cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng trong nước. Trong khi đó, theo cam kết WTO, kể từ ngày 1/1/2011, các ngân hàng này sẽ được đối xử bình đẳng như ngân hàng nội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến thời điểm 31/10/2010, trên lãnh thổ Việt Nam có 71 tổ chức tín dụng nước ngoài và 48 văn phòng đại diện của các tổ chức tài chính nước ngoài; trong số đó, có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Một số ngân hàng nước ngoài hiện diện dưới cả hai hình thức là chi nhánh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered. Mặc dù mới gia nhập thị trường tài chính Việt Nam, nhưng hết quý III/2010, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã huy động vốn đạt 77.444 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 93.511 tỷ đồng, tăng 29,8% so với thời điểm cuối năm 2009; dư nợ tín dụng đạt 38.322 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2009.

Trong khi các NHTM trong nước cạnh tranh khốc liệt để phát triển tín dụng, chạy đua lãi suất, thì các ngân hàng nước ngoài lại đi sâu phát triển các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, kinh doanh vốn và thị trường ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ lưu ký chứng khoán. Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, Standard Chartered dẫn đầu thị trường trong hoạt động huy động vốn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, thông qua các thương vụ thu xếp những khoản vay hợp vốn và phát hành trái phiếu.

Những hoạt động này đã mang lại thành công rất lớn cho các ngân hàng nước ngoài. Theo báo cáo của NHNN, chênh lệch thu chi 10 tháng đầu năm 2010 của các tổ chức tín dụng nước ngoài đạt gần 3.500 tỷ đồng. Do chủ trương phát triển tín dụng một cách thận trọng nên chất lượng tín dụng của các tổ chức này rất tốt. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay.

Các ngân hàng nước ngoài cũng rất quan tâm đến mảng ngân hàng bán lẻ. Một minh chứng rõ nét là là năm 2010 đã chứng kiến sự bùng nổ về mạng lưới của khối các tổ chức tín dụng nước ngoài. Trong năm qua, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã phát triển 14 chi nhánh trên cả nước. Bên cạnh đó là thường xuyên tung ra những sản phẩm, dịch vụ với nhiều tiện ích.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Thomas Tobin cho biết, mặc dù năm 2010 có nhiều thách thức, nhưng Ngân hàng tiếp tục phát triển theo chiến lược phát triển nội tại và thông qua hợp tác chiến lược. Thực hiện chiến lược phát triển nội tại là 2 chi nhánh với đầy đủ các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng lần lượt được khai trương tại Cần Thơ và Đà Nẵng. Đặc biệt, gói dịch vụ HSBC Premier đã chính thức được giới thiệu. Đây là gói dịch vụ cao cấp với nhiều tiện ích và hỗ trợ từ phía Ngân hàng, giải quyết các nhu cầu về giao dịch tài chính dành cho khách hàng cá nhân. Cho tới nay, Việt Nam là một trong 47 thị trường mà Tập đoàn HSBC triển khai dịch vụ HSBC Premier trên toàn cầu, cho thấy vị thế quan trọng của thị trường Việt Nam trên bản đồ phát triển của Tập đoàn.

Đối với Ngân hàng ANZ Việt Nam, đây là đơn vị đi tiên phong trong các sản phẩm thẻ như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng không cần thế chấp… Đặc biệt, ngân hàng này có chương trình Tận hưởng cuộc sống với ANZ SPOT dành cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, giúp khách hàng mua sắm tại hơn 400 đối tác thuộc hệ thống thành viên ANZ SPOT trong nước và quốc tế, với nhiều ưu đãi. Hơn nữa, khách hàng có thể thanh toán sau tại 30 triệu điểm chấp nhận thẻ tại Việt Nam và thế giới thông qua máy ATM và Internet. "Tại Việt Nam, các dịch vụ của chúng tôi luôn đảm bảo yếu tố: thuận tiện, đơn giản, tin cậy và lấy lợi ích khách hàng làm nền tảng. Do vậy, các gói sản phẩm mới ra đời luôn phù hợp với nhu cầu của khách hàng bên cạnh sự hài lòng về phong cách dịch vụ tận tình và thân thiện", bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ khu vực Mekong nói.

Với đà phát triển ấn tượng của năm 2010, các ngân hàng nước ngoài đã lên kế hoạch cho những bước tiếp theo, nhất là khi được đối xử bình đẳng như các ngân hàng trong nước kể từ ngày 1/1/2011. Ông Thomas Tobin chia sẻ, chiến lược trong năm 2011 của HSBC là duy trì và xây dựng những lợi thế cạnh tranh về mạng lưới liên kết quốc tế tại nơi HSBC hoạt động, hướng tới vai trò cầu nối cho khách hàng và các công ty nước ngoài mong muốn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các công ty trong nước đang muốn vươn ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục tập trung vào mục tiêu tăng trưởng trong các lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính doanh nghiệp cho tới dịch vụ tài chính cá nhân và sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng với những nhu cầu tài chính quốc tế.

Theo nguồn tin từ NHNN, hiện đang có hàng chục hồ sơ của ngân hàng nước ngoài xin mở chi nhánh và ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, số lượng hồ sơ xin cấp phép hoạt động ngân hàng sẽ còn tăng lên. Citibank là một ví dụ. Đại diện Citibank tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng đang lên kế hoạch trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài trong thời gian tới. Theo ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng trong đối với Citibank và là nơi Citibank sẽ ưu tiên đầu tư cho tăng trưởng dài hạn. "Citibank muốn trở thành ngân hàng được lựa chọn đầu tiên khi khách hàng cần đến các dịch vụ quản lý tài sản và giúp người Việt Nam đạt được thành công về tài chính", ông Brett Krause nói.

Có thể nói, sức ép cạnh tranh từ phía các ngân hàng nước ngoài ngày một lớn. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính đột phá, thì trong tương lai không xa, một bộ phận ngân hàng trong nước có thể sẽ thua ngay trên sân nhà.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Cơ hội đầu tư ngoài BRIC
  • Đầu tư theo hình thức PPP : Phát huy tính ưu việt để phát triển hạ tầng
  • Nhập nhèm chủ đầu tư nhà nước – tư nhân
  • Trọng tâm năm 2011 là kiềm chế lạm phát
  • Doanh nghiệp tìm lợi nhuận từ rủi ro năm 2011
  • Những dự án tỉ USD “trùm mền”
  • Thu hút FDI nhờ lao động rẻ: Lợi thế hay hại thế?
  • 2011: USD vẫn sẽ tăng giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!