Hệ thống cảng biển hiện là điểm nóng trong công tác quy hoạch ở nước ta |
Từ bộ ngành…
Các nhà hoạch định chính sách của tỉnh Tây Ninh có thể làm ngạc nhiên giới nghiên cứu ở trung ương vì những kế hoạch kinh tế đầy tham vọng và “lạc quan” của họ. Cho đến gần đây, tỉnh này đã bố trí nhiều dự án phát triển từ ngân sách nhà nước với tổng số vốn lên đến 1.639 tỷ đồng, trong khi nguồn lực thực tế của địa phương chỉ có thể gánh được vẻn vẹn có 283 tỷ đồng. Tình trạng bố trí vốn vượt quá khả năng như của Tây Ninh không phải là hiếm.
Với cách làm mang tính chất phổ biến trên, rất nhiều địa phương hiện đang phải kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư theo cam kết. Theo báo cáo kiểm toán năm 2007, những dự án thuộc diện này chất đống lên đến hàng ngàn, chẳng hạn: Nam Định có 187 dự án; con số này đối với tỉnh miền núi phía Bắc Bắc Cạn là 170, Kiên Giang 355, Quảng Ngãi 67…Tình trạng này diễn ra không chỉ ở cấp địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có tới 82 dự án phải kéo dài hơn so với thiết kế ban đầu, trong khi Bộ Nội vụ có 4 dự án.
Ông Lê Hải Mơ - Viện phó Viện khoa học tài chính cho rằng, tình trạng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách dàn trải như những trường hợp kể trên đã bị tích tụ từ nhiều năm. “Tình trạng này làm thất thoát, lãng phí lớn, gây nhiều bức xúc mà chưa thể giải quyết được”, ông nói.
Những ví dụ trên cho thấy, công tác quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đang là vấn đề lớn. Hiện tượng đầu tư phân tán, dàn trải, thất thoát, nợ đọng, kém hiệu quả diễn ra ở hầu hết các cấp, các bộ ngành và địa phương.
… cho đến công tác quy hoạch
Những yếu kém về công tác quy hoạch, phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách đóng góp lớn vào tình trạng này. Các chương trình mía đường, xi măng lò đứng, phát triển hệ thống cảng biển và sân bay là những trường hợp cụ thể nhất.
Lấy quy hoạch hệ thống sân bay làm ví dụ. Theo quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, cả nước sẽ có tới 138 cảng hàng không, sân bay, bãi hạ cánh dự bị… Một nghiên cứu của Viện Khoa học tài chính cho biết, tổng mức đầu tư đã được duyệt để phát triển các dự án loại này trong giai đoạn 2001-2005 là 27.000 tỷ đồng, nhưng thực tế ngân sách chỉ bố trí được có 2.510 tỷ đồng, hay khoảng 9,3% tổng mức đầu tư. Thiếu vốn trầm trọng làm cho các dự án được triển khai dang dở, dẫn tới việc tài nguyên đất đai, vốn…được sử dụng không hiệu quả là không thể phủ nhận.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cũng là lời giải cho bài toán hiệu quả đầu tư công |
Nhưng lãng phí nhiều hơn cần phải kể đến quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển của Việt Nam. Hiện cả nước có hơn 100 cảng biển trải dài khắp 24 tỉnh, thành phố với tổng năng lực hàng hóa thông qua cảng là 64 triệu tấn/năm. Tuy vậy, trong số này lại không hề có những cảng biển lớn có tầm cỡ có thể cạnh tranh ở cấp độ khu vực.
Được quy hoạch đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, nhưng các cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đã xử lý một khối lượng hàng hóa vượt mức dự báo cho năm 2010 từ năm 2006. Các cảng ở miền Bắc và miền Trung chỉ chiếm khoảng 43% khối lượng vận chuyển nên công suất còn thừa, trong khi các cảng phía Nam chiếm tới 57% khối lượng vận chuyển và 90% lượng container thì lại đang quá tải.
Bức tranh về hệ thống cảng biển, vốn dựa chủ yếu vào đầu tư ngân sách, đặc biệt “tăm tối” ở khu vực miền Trung, nơi ước tính chỉ đảm nhận khoảng 13% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của cả nước. Có quá nhiều cảng được xây dựng gần nhau ở khu vực này, gây dư thừa công suất. Cảng Hòn La ở Quảng Bình cách cảng Vũng Áng 25km; cảng Chân Mây ở Thừa Thiên - Huế cách cảng Tiên Sa của Đà Nẵng 30km; cảng Dung Quất ở Quảng Ngãi chỉ cách cảng Kỳ Hà vẻn vẹn có 10 km. Cảng Sài Gòn vừa mới được nâng cấp xong thì lại phải di dời để TPHCM giải quyết vấn đề phát triển đô thị, ùn tắc giao thông.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương của Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, câu chuyện về hệ thống cảng biển cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đã được sử dụng kém hiệu quả như thế nào. “Việc quy hoạch ngành và vùng không chặt chẽ. Nó thể hiện sự co kéo, nể nang làm cho vốn đầu tư bị sử dụng lãng phí”, bà Hương nhận xét.
Còn ông Lê Hải Mơ, Viện phó Viện Khoa học tài chính thì cho biết: “Trong giai đoạn 1991-2000, đầu tư của nhà nước giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế do khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém. Đến giai đoạn 2001-2005 thì đầu tư của nhà nước giảm dần, nhưng lại làm nảy sinh nhiều vấn đề mà nổi cộm nhất là hiệu quả thấp, tình trạng thất thoát lãng phí ngày càng lớn và nghiêm trọng. Trong hai năm 2007-2008 thì vai trò đích thực của khu vực này và doanh nghiệp nhà nước là quá thấp so với kỳ vọng”.
Nợ câu trả lời
Rõ ràng những yếu kém trong quy hoạch thể hiện tính cục bộ, xu hướng khép kín, gây nên sự lãng phí các nguồn lực, hay tạo ra độc quyền trong phát triển của một ngành, một sản phẩm. Việc bố trí nhiều sân bay, bến cảng ở các địa phương quá gần nhau khó có thể nói là phù hợp với khả năng phát triển kinh tế và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Các nhà kinh tế cho rằng, đầu tư từ ngân sách có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Nguồn vốn này tập trung vào những lĩnh vực quốc kế, dân sinh mà khu vực tư nhân không đủ sức làm vì rủi ro và lợi nhuận thấp.
Tuy vậy, thực tiễn trên thế giới cho thấy, nếu nguồn lực này không được quản lý và sử dụng hiệu quả thì nhà nước không những không đạt được mục đích mong muốn mà còn có thể là nguyên nhân gây nên khủng hoảng nợ nần. Với đầu tư của nhà nước trong nền kinh tế còn đang chiếm tỷ trọng áp đảo - chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thì vấn đề nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch rõ ràng là một lời giải cho bài toán hiệu quả của đầu tư công. Nhưng, làm sao để nâng cao chất lượng của các bản quy hoạch? Câu hỏi này rõ ràng không dễ, nhưng nhất thiết phải được trả lời.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com