Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, sẽ có hai khả năng xảy ra với các khoản vay được hỗ trợ lãi suất. Khả năng đầu tiên, có tính phổ biến, là các doanh nghiệp tìm cách vay được vốn để “đảo nợ” các khoản vay thời gian trước đang chịu lãi suất cao. Như vậy kết quả đạt được là áp lực trả nợ gốc và lãi sẽ bớt đè nặng lên các doanh nghiệp. Và qua đó duy trì cơ hội thoát hiểm trong giai đoạn kinh tế khó khăn cho các doanh nghiệp. Cần nói rõ, phương án vay “đảo nợ” là bất hợp pháp. Nhưng từ góc độ thực tiễn, trong thời điểm hiện tại, phương án này rất cần thiết với các doanh nghiệp đã “trót” vay vốn trong giai đoạn lãi suất cao, nay đang mấp mé bên bờ vực phá sản vì không trả được gốc và lãi suất “cắt cổ” khi trước. Nói gì thì nói, doanh nghiệp không tồn tại được qua khó khăn, thì ngân hàng lấy đâu ra cơ sở để thu hồi vốn đã cho vay?
Thứ hai là khoản hỗ trợ lãi suất sẽ tạo ra đợt cạnh tranh mới giữa các ngân hàng trong tìm kiếm, tài trợ các khách hàng, dự án tiềm năng. Trong khả năng này lại có hai diễn biến có thể xảy ra. Một là hiệu quả vốn vay sẽ được nâng lên cả với ngân hàng và cả với dự án của doanh nghiệp. Và hai, hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra, là sự tiếp diễn của những dự án không chính xác, trung thực trong nhu cầu vay, trong thẩm định cho vay. Rõ ràng, hiện tượng vay qua “dịch vụ môi giới”, hay móc ngoặc giữa cán bộ ngân hàng với doanh nghiệp là có tính phổ biến trong thời gian trước. Và thực tế là quy chế cho vay của các ngân hàng, tốc độ hiện đại hóa của hệ thống kế toán, tính chính xác trong thẩm định báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi đột biến về chất cho tới thời điểm hiện tại. Có nghĩa là khả năng để xảy ra gian dối, rủi ro cho vay vẫn cao. Chất lượng cho vay hoàn toàn có thể không tăng, nếu không nói là giảm, ảnh hưởng không tốt tới mục đích kích cầu đã đặt ra.
Nguy cơ này đã được nhận diện và chuẩn bị để ngăn chặn. Ngân hàng nhà nước đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện gói kích cầu. Tổ công tác này có thành phần gồm các vụ chuyên môn của Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính... Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng đã có biện pháp chuẩn bị nâng cao chất lượng thẩm định dự án. Cuối cùng, vẫn cần phải nhắc lại là, giải pháp hỗ trợ lãi suất hợp lý này, một lần nữa lại dấy lên những lo ngại từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong... cạnh tranh với doanh nghiệp Nhà nước để giành lấy các khoản vay cho mình. Với tiềm lực, tài sản, kinh nghiệm... hạn chế, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khó lòng giành giật lấy sự ủng hộ của các ngân hàng đối với dự án của họ. Trong khi đây lại là lợi thế tuyệt đối của các DNNN trong vay vốn, với sự bảo đảm từ... Nhà nước. Có nghĩa thực tế chậm chễ đổi mới DNNN có thể sẽ tiếp tục “phát huy hiệu quả” khi hút về các doanh nghiệp này phần lớn lượng vốn cho vay với lãi suất được hỗ trợ. Bất chấp thực tế hiệu quả sử dụng vốn tại các doanh nghiệp này luôn thấp hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bởi vậy, bản thân các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực hơn nữa trong cơ cấu lại nguồn vốn, chi phí sản xuất của mình. “Nước xa không dập được lửa gần” – châm ngôn ấy hoàn toàn chính xác trong tình thế các doanh nghiệp hiện nay, khi khả năng được vay vốn khi lãi suất thấp mới chỉ “sáng” trên giấy, còn nguy cơ đình trệ sản xuất, kinh doanh, nguy cơ phá sản vẫn hiển hiện trước mắt.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com