Những công ty nhà nước (CTNN) đã "trót" đầu tư vào lĩnh vực tài chính vượt quy định phải điều chỉnh mức đầu tư về giới hạn được phép theo nguyên tắc bảo toàn vốn.
Chặn lại là tất yếu
Theo Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động đầu tư ra ngoài ngành của CTNN, đặc biệt là hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực được xem là “nhạy cảm” như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm sẽ được siết chặt.
Trên thực tế, ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, nhiều CTNN cũng đồng thời “được phép kinh doanh đa ngành”, trong đó có hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm. Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực tài chính một thời gian đã đem lại lợi nhuận lớn và nhanh, nên được các CTNN xem là cách “lấy ngắn nuôi dài”, thậm chí những CTNN đầu tư sang lĩnh vực tài chính được xem là “nhanh nhạy”. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư tràn lan của CTNN vào lĩnh vực này cũng đã nhanh chóng bộc lộ những hạn chế và để lại hệ quả xấu, mà vụ việc Ngân hàng Hồng Việt với sự rút lui của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một ví dụ.
Dù trên câu chữ, việc rút lui này để “góp phần kiềm chế lạm phát và cắt giảm đầu tư công”, nhưng ai cũng hiểu là khi đó, đầu tư lập ngân hàng khó mang lại lợi nhuận cao như kỳ vọng ban đầu, cũng có nghĩa là mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài” không thực hiện được. Ngoài trường hợp Hồng Việt, hiện còn nhiều ngân hàng đang dang dở với kế hoạch thành lập, trong đó đều dự kiến có cổ đông chính là các CTNN...
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thực tế là việc quản lý vốn của CTNN còn tràn lan, không hiệu quả hoặc hiệu quả chưa tương xứng với quy mô, làm ảnh hưởng đến cơ cấu của nền kinh tế. Do đó, việc siết chặt đầu tư của CTNN vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm là điều tất yếu phải làm và cần làm cho nghiêm túc.
Cần sử dụng hiệu quả “công cụ” SCIC
Theo Nghị định 09/2009/NĐ-CP, đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, CTNN chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp, với mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn và mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp.
Quy chế cũng quy định rõ, CTNN không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán. Các CTNN có vốn đầu tư ra ngoài ngành vượt quá mức quy định nêu trên, hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 2 năm kể từ ngày 25/3/2009 (ngày Quy chế ban hành kèm Nghị định 09/2009/NĐ-CP có hiệu lực) phải thực hiện điều chỉnh lại mức đầu tư trên nguyên tắc bảo toàn vốn.
Theo ông Kiêm, có 3 điểm cần lưu ý để thực hiện tốt chủ trương quan trọng này. Thứ nhất, phải đánh giá sát, đúng thực trạng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm của CTNN. Thứ hai, xây dựng lộ trình uốn nắn phù hợp, không gây sốc, tránh đổ vỡ, tác động xấu đến lĩnh vực nhạy cảm này, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ảm đạm, ngành tài chính ngân hàng gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Thứ ba, với những CTNN đầu tư vượt quy định, sai quy định, phải xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng “nhờn thuốc”, tạo tiền lệ xấu cho việc xử lý sau này. Ông Kiêm nhận định, khoảng thời gian 2 năm là phù hợp để các CTNN điều chỉnh mức đầu tư về giới hạn quy định.
Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Khoa Tài chính doanh nghiệp (Đại học Kinh tế TP.HCM) thì cho rằng, Nhà nước cần sử dụng hiệu quả của CTNN “khổng lồ” là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC sẽ tiếp nhận phần vốn của những CTNN đầu tư quá hoặc không đúng quy định, tiến hành cơ cấu lại danh mục đầu tư để tránh tình trạng CTNN cạnh tranh lẫn nhau một cách xô bồ, mà lãng quên nhiệm vụ chính.
Nói cách khác, đây là cơ hội để SCIC thực hiện việc mua bán và sáp nhập những CTNN hoạt động kém hiệu quả cho phù hợp với tình hình hiện nay. SCIC cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thoái vốn cho những CTNN đã “lỡ” đầu tư quá mức quy định của Nghị định 09/2009/NĐ-CP, bởi đây là nghiệp vụ phức tạp, không dễ thực hiện.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com