Kiểm đếm ngoại tệ tại Chi nhánh Vietcombank Vũng Tàu. |
Các lợi ích Thời gian gần đây, với sự can thiệp tích cực của Ngân hàng Nhà nước bằng các công cụ lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối và giao dịch ngoại tệ từng bước tạo được ổn định. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế nhất thời, đã có những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững, bảo đảm hài hòa các lợi ích xã hội và phù hợp với quy luật thị trường trong công tác quản lý Nhà nước về ngoại hối.
Nhằm từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng “đô la hóa”, chống việc sử dụng ngoại tệ tràn lan trên lãnh thổ Việt nam, bảo đảm vị thế của đồng tiền Việt Nam, Pháp lệnh Ngoại hối (có hiệu lực từ 1-6-2006) đã xác định một nguyên tắc: Nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt nam; hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ tại Việt Nam. Pháp lệnh cũng quy định cụ thể về việc mở và sử dụng tài khoản, sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thẻ thanh toán và các đồng tiền ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, vẫn xác lập các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân như được cất giữ, mang theo người, gửi tiết kiệm ngoại tệ và được rút ra bằng ngoại tệ... Các quy định này phù hợp với bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay.
Ông Lê Đình Liệu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu giải thích: Trong bối cảnh tự do hóa giao dịch vãng lai (là giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú không vì mục đích chuyển vốn), phương thức quản lý Nhà nước ở đây là trao cho các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (gọi chung TCTD) quyền năng và trách nhiệm xác định giao dịch vãng lai nào là hợp pháp, nếu đã là giao dịch vãng lai hợp pháp thì được tự do thực hiện. TCTD chịu trách nhiệm đối với giao dịch đã thực hiện cho khách hàng; khách hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại chứng từ, giấy tờ đã xuất trình cho TCTD. Qua đó, nhấn mạnh đến việc quản lý và giám sát các luồng vốn ngoại tệ vào ra, thông qua hệ thống ngân hàng được phép giao dịch ngoại tệ, thông qua các tài khoản ngoại tệ mở tại ngân hàng áp dụng cho từng loại hình giao dịch vốn.
Trên thực tế, các quan hệ giao dịch bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) luôn sôi động, thể hiện trong các hoạt động ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu, mua bán tài sản giữa các cá nhân... Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về ngoại hối, nếu đi làm thủ tục thanh toán, mua-bán tại TCTD liên quan đến ngoại hối thường gặp phải rườm rà về thủ tục, ngược lại với việc mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do quá dễ dàng, nhanh chóng.
Theo quy định tại Điều 22 và Điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối, Nhà nước không cấm người dân sở hữu tài sản là ngoại tệ, chỉ cấm những giao dịch không được phép mà thôi. Bởi, “sở hữu” và “giao dịch” là hai phạm trù khác nhau, việc gửi và rút tiết kiệm bằng ngoại tệ khác với giao dịch bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, vấn đề chưa tạo được sự đồng thuận lâu nay là tổ chức, cá nhân sở hữu ngoại tệ chỉ được phép giao dịch ngoại tệ với TCTD. Quy định này bị đánh giá là quá ưu đãi cho hoạt động của TCTD, gây bất hợp lý cho người dân và doanh nghiệp. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn phát huy tác dụng của Pháp lệnh Ngoại hối, điều quan trọng là lượng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước phải mạnh, ổn định được giá trị của đồng nội tệ, kiểm soát tốt “giao dịch chợ đen”, kiểm soát nguồn gốc thu nhập bằng ngoại tệ của người dân, tổ chức bảo vệ pháp luật phải hoạt động hiệu quả. Vấn đề đặt ra là hướng tới bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, tổ chức kinh tế và cá nhân; tạo nên sự cân đối giữa quy luật thị trường với công tác quản lý Nhà nước và tính ổn định của hành lang pháp lý.
Theo Tiến sỹ Ngô Huy Cương (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối là điều nên làm, nhưng chỉ tiến hành sau khi đã có tính toán kỹ. Trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi, đang “tập làm ăn” thì nên sửa pháp lệnh theo hướng linh động, với những chính sách linh hoạt cho từng thời kỳ để khuyến khích nền kinh tế phát triển. Phải cân nhắc vấn đề nào cần luật hóa, vấn đề nào nên giao Chính phủ quy định cho phù hợp với từng thời kỳ. Không nên vì một mục tiêu (chống “đô la hóa” – PV) mà quy định điều chỉnh cả một lĩnh vực, không nên dựa vào yêu cầu của một thời điểm để điều chỉnh lâu dài, tránh phát sinh những bất hợp lý trong thực tiễn thi hành.
(Theo Nhựt Thanh // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com