Việc thắt chặt tín dụng với thị trường BĐS của Ngân hàng Nhà nước đang làm các nhà đầu tư BĐS bối rối và khó khăn. Việc tận dụng nguồn vốn FDI, cho phép các dự án BĐS được thế chấp ở các ngân hàng thương mại nước ngoài… là điều mà các chuyên gia BĐS cho rằng nên làm với thị trường trong thời điểm này.
Quan điểm không đồng nhất
Đánh giá về những khó khăn của thị trường BĐS trong nước tại buổi Hội thảo “Làm gì với thị trường BĐS năm 2011”, ông TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, tình cảnh của thị trường BĐS hiện nay khá giống với những gì đã diễn ra trong năm 2008. Điều khác biệt duy nhất đó là năm 2008 thị trường đã được “giải cứu” bằng gói kích cầu của Chính phủ, còn năm nay VN vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan cho thị trường.
Lý giải về việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng với thị trường BĐS, ông Ánh cho rằng, thị trường BĐS và thị trường chứng khoán dễ xuất hiện tình trạng bong bóng nên việc thắt chặt tín dụng là cần thiết, hiện nay các ngân hàng thương mại đang rót khoảng 23% tín dụng vào thị trường, cần phải đánh giá một cách nghiêm túc xem tỷ lệ này là cần thiết chưa.
Theo tính toán của ông Ánh, việc thắt chặt tín dụng đối với thị trường BĐS sẽ khiến cho thị trường này mất khoảng 5 tỷ USD trong năm 2011 vì khi đó tổng dư nợ cho vay BĐS giảm chỉ còn khoảng 16%, câu hỏi được đặt ra là trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng ta lấy đâu ra 5 tỷ USD để duy trì sự ổn định của thị trường cũng như các dự án BĐS đang triển khai?!
Với cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Ánh cảnh báo những nhà đầu tư hãy thận trọng trong thời điểm này, bởi những bài học của năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị.
Chung quan điểm với TS. Vũ Đình Ánh, GS. Đặng Hùng Võ- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng những khó khăn từ vĩ mô của nền kinh tế đang tác động trực tiếp đến thị trường BĐS, giao dịch của thị trường đang ở mức thấp so với những năm trước đây do thiếu vốn. Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn thực hiện các dự án. Tuy nhiên việc thị trường sụt giảm 30- 50% như năm 2008 là điều khó xảy ra trong năm 2011.
Đứng trên phương diện nhà đầu tư, Ông Phạm Thanh Hưng- Phó TGĐ Cengroup lại có quan điểm trái ngược với 2 quan điểm trên. Ông Hưng cho rằng, mặc dù nền kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường BĐS trong nước vẫn còn có những điểm sáng, nếu quan sát kỹ thì từ đầu năm 2011 đến nay thị trường vẫn có những đợt “sóng” mặc dù không rõ ràng, nhiều người cho rằng thị trường đang ảm đạm nhưng tôi cho rằng điều đó là không đúng.
Nếu nói về khó khăn, chỉ có thị trường TP HCM là gặp khó khăn, còn thị trường HN vẫn đang phát triển, bởi nguồn cung ra thị trường cho người dân vẫn nằm trong tay nhà đầu tư thứ cấp và giá các sản phẩm BĐS tại Hà Nội vẫn đang đắt gấp 2- 3 lần so với TP HCM.
Vốn đổ vào ít
Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế và BĐS đều cho rằng, nguồn vốn đổ vào BĐS năm 2011 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2010 đặc biệt là các dự án đầu tư trong nước. Để hạn chế những khó khăn, theo các chuyên gia, các nhà đầu tư nên chia sẻ đầu tư, các nhà đầu tư, đối tác cần giúp đỡ nhau giải quyết khó khăn về vốn đồng thời tận dụng lợi thế của nhau, tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI)…
Theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện nay đa số các nước trong khu vực và trên thế giới đều cho phép các công ty BĐS được thế chấp dự án của mình cho các ngân hàng thương mại nước ngoài. Nếu quy định này được áp dụng trong nước sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS khi tín dụng trong nước gặp khó khăn. Bởi các ngân hàng trong nước lượng vốn tín dụng không được dồi dào. Ông Võ cho rằng, VN cần nghiên cứu và đưa ra khung pháp lý cho quy định này, bởi theo lộ trình gia nhập WTO, VN cần phải thực hiện đầy đủ các cam kết của WTO. Việt Nam đã có quy định cho người nước ngoài sử dụng đất đai nhưng chưa có cơ chế về sử dụng đất đai của người nước ngoài.
Theo ông Võ, trước đây Chính phủ đã thí điểm cho phép các dự án BĐS được thế chấp ở ngân hàng thương mại nước ngoài nhưng trong luật lại chưa cho phép và chưa có cơ chế cụ thể cho vấn đề này.
Giải pháp tiếp theo, ông Võ cho rằng nên đẩy mạnh thực hiện việc mua bán nhà trên giấy để tìm nguồn vốn cho thị trường. Để làm được điều này bản thân các chủ đầu tư cần công khai, minh bạch các dự án của mình, gây dựng lòng tin cho người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ông Phạm Thanh Hưng thì cho rằng, mặc dù giao dịch của thị trường có phần chững lại nhưng giá trị lợi nhuận vẫn còn nguyên đối với những nhà đầu tư tỉnh táo và biết phân bổ nguồn tài chính của mình một cách hợp lý. Các con “sóng” nhỏ của thị trường trong thời gian qua là cơ hội để hiện thực hóa lợi nhuận của nhiều nhà đầu tư. Thị trường diễn biến theo kiểu “đắt chỗ buôn, buồn chỗ bán” sẽ là cơ hội để những nhà đầu tư có bề dày về vốn tìm cho mình những sản phẩm BĐS hợp lý với giá phải chăng.
(VCCI)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com