Giai đoạn 2001-2010, Việt Nam thu hút được hơn 12.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng gần 200 tỷ USD đến từ hơn 90 nước và vùng lãnh thổ; vốn thực hiện được hơn 60 tỷ USD, đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Nhưng qua đó cũng đã bộc lộ rõ một số vấn đề trong nhận thức, tư duy và tổ chức thực hiện, trở ngại cho sự phát triển kém bền vững của nền kinh tế nước ta.
Như Báo cáo tổng kết cho thấy, nhiều doanh nghiệp có năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đã có trên 50% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ làm ăn thua lỗ. Dù thua lỗ họ vẫn không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh và có dấu hiệu chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở chính quốc khi kê khai cao giá trị máy móc, thiết bị, nhập nguyên liệu giá cao nhưng bán các thành phẩm giá thấp cho công ty mẹ... nên việc đóng góp của các doanh nghiệp FDI cho ngân sách tăng không tương xứng với đầu tư, tạo ra sự bất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Năm 2009, mức đóng góp của doanh nghiệp FDI giảm 11,2% so với kế hoạch.
Dòng vốn đó trong một thời gian dài đã hướng khá mạnh vào lĩnh vực dịch vụ, bất động sản, du lịch, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế có mức vốn hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD, áp đảo so với khu vực khác. Dù rằng như thế cũng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung đã đề ra nhưng mặt trái của hướng đầu tư đó là chưa thực sự phục vụ cho tăng trưởng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không mấy góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa nước ta trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp FDI còn tham gia tăng nhập siêu, nhất là các dự án bất động sản lớn phải tăng việc nhập khẩu thiết bị và vật liệu xây dựng; tham gia khai thác vật liệu, tài nguyên rồi xuất thô kiếm lợi nhuận cao... Trong khi đó đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp lại ít và thấp.
Sự phát triển các doanh nghiệp FDI còn thiếu qui hoạch tổng thể, dự án này hỗ trợ, nâng đỡ dự án khác nên bị trùng lắp, làm tăng sự mất cân đối giữa các ngành nghề, lĩnh vực, các loại sản phẩm và hàng hóa. Chúng ta cũng hy vọng các đầu tư FDI sẽ góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước thông qua việc đầu tư phát triển công nghệ cao nhưng mục tiêu đó cũng không đạt được như mong muốn. Ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh, qua hơn 20 năm đổi mới, nền công nghiệp thành phố theo đánh giá chỉ có 5% đạt trình độ công nghệ cao. Nhiều ngành, máy móc, thiết bị đưa vào đầu tư chỉ là đồ lỗi mốt, lạc hậu, đòi hỏi nhân lao động lớn và tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chúng ta đang phải trả giá môi trường cho sự phát triển nếu không kịp thời chấn chỉnh những tồn tại của sự phát triển chiều rộng của FDI.
Chưa kể không ít doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc bảo đảm đời sống người lao động chưa tốt, trả lương thấp, bóc lột người lao động quá mức như làm tăng ca, tăng giờ làm... gây mất ổn định xã hội. Họ cũng ít góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam mà chỉ chú trọng khai thác nhân công giá rẻ với lao động giản đơn.
Đáng lo ngại hiện nay là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang nhận nhiều đất “bờ xôi ruộng mật” mang tính thương mại, tìm đối tác chuyển nhượng để hưởng chênh lệch; chậm triển khai, thậm chí không thể triển khai việc sử dụng. Thực tế cho thấy, trong 10 dự án lớn nhất về đăng ký vốn chỉ có 1 đến 2 dự án được triển khai trên thực địa. Năm 2010 cũng là năm nhiều dự án bị rút phép do triển khai chậm hoặc không thể triển khai. Ví dụ gần đây nhất là dự án Bãi Rồng, Quảng Nam có giá trị 4,15 tỷ USD bị rút giấy phép. Trong gần 200 tỷ USD đăng ký đầu tư đến nay mới thực hiện được hơn 60 tỷ USD chiếm khoảng 32,5%. Chưa kể trong số này có cả vốn vay ngân hàng trong nước và vốn đóng góp của Việt Nam chứ không phải vốn thực của phía nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Thu hút được một nguồn lớn vốn FDI đã là một thành công lớn trong tiến trình đổi mới của ta. Song chỉ chú trọng phát triển bề rộng đã để lại những hệ lụy lớn do một phần là việc hoạch định chính sách chưa phù hợp, thiếu qui hoạch, khả năng quản lý, thẩm tra dự án yếu. Bệnh thành tích còn nặng nề, chỉ chăm chăm thu hút dự án với số tiền cho lợi ích địa phương mà ít tính đến hậu quả, đến lợi ích tổng thể của cả vùng, của đất nước, tác động lớn đến sự mất cân đối trong đầu tư các ngành nghề lẫn vùng lãnh thổ, tạo thêm khoảng cách giàu nghèo...
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 đã xác định phải thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; vừa mở rộng qui mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ sang tăng trưởng chủ yếu do phân bố vốn đầu tư hợp lý và hiệu quả; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm... Đây thực sự là một điểm mới trong Đại hội lần thứ XI của Đảng mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Đảng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật để sớm khắc phục những tồn tại đưa nền kinh tế nước ta nói chung và dòng vốn FDI đang rất lớn và rất cần hiện nay đi đúng hướng. Chủ trương thì đã rõ, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện sao cho thống nhất, hợp lý, đồng bộ từ Trung ương đến các các cấp, các ngành, các địa phương nữa mà thôi.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com