Nên chăng trước khi xem xét tăng giá điện, hãy bắt đầu xem xét lại nguyên nhân và hiệu quả thực sự của các tập đoàn này. Đến lúc đó, việc tăng giá sẽ được nhiều người thông cảm và ủng hộ.
Ngày 11/2/2011 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỷ giá tiền đồng so với USD sau 6 tháng duy trì tỷ giá ổn định. Mức tăng tỷ giá từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD, đạt mức tăng 9,3% và đây là lần tăng tỷ giá cao nhất trong mọi lần từ năm 1993 đến nay, xấp xỉ với biến động tỷ giá trong cả năm 2010, một mức tăng cao bất thường.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, đợt điều chỉnh tỷ giá lần này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải gánh chịu mức tăng giá 3%. Tức là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng do biến động tỷ giá đợt này sẽ là 3%.
Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than... cũng đang hăm he tăng giá. Nhiều khả năng giá điện sẽ tăng ít nhất là vào khoảng 18% vào đầu tháng 3/2011.
Cùng với việc tăng tỷ giá, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 (chưa tính đến CPI tháng 3 và tăng giá điện vào tháng 3) thì CPI đến cuối tháng 2/2011 sẽ tăng lên mức 7,27%.
Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, với các tính toán trên đây thì CPI đã cao hơn mức tăng CPI do Chính phủ đề ra trong năm 2011 là ở mức 7%.
Tuy nhiên, theo nhiều thông tin được báo chí phản ánh, chỉ số giá ngoài thị trường trong tháng 1 và tháng 2 đã tăng nhiều hơn những con số thống kê này. Thậm chí, có một số mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm có khi tăng từ 20 - 50%.
Do đó, thực tế thì con số CPI tính đến cuối tháng 2 còn cao hơn số liệu thống kê. Như vậy, rất nhiều khả năng CPI chỉ trong quý I đã vượt xa chỉ tiêu cả năm.
Trong lúc giá cả các mặt hàng trên thị trường đa phần đều tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu thì một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than... lại do Nhà nước quản lý và định giá. Các mặt hàng này phần lớn đều là nguyên liệu đầu vào trực tiếp hay gián tiếp của các loại sản phẩm khác.
Do đó, khi tăng giá các mặt hàng này, sẽ kéo theo sự tăng giá của những mặt hàng tiêu dùng khác, từ đó chắc chắn sẽ kéo chỉ số CPI tăng theo. Đó là điều hiển nhiên không cần bàn cãi.
Như vậy xem xét lại lý do đòi tăng giá điện, xăng dầu hay than là việc nên làm và làm một cách toàn diện, chính xác. Trong đó, cần phải xem xét và đánh giá lại các loại chi phí như: chi phí quản lý, lương, thưởng... thậm chí phải xem xét đầy đủ những thất thoát có thể xảy ra.
Đồng thời phải cải thiện hiệu quả của công tác quản lý, điều hành, năng lực của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế này. Bởi vì, thực tế có không ít những bất cập đã xảy ra.
Từ trước đến nay, mọi người chỉ biết nghe thông tin từ những vị lãnh đạo các tập đoàn này than “lỗ”. nhưng lỗ như thế nào, các khoản chi phí ra làm sao, các nguồn nhân, vật lực đã được đầu tư, khai thác hiệu quả chưa... thì không thấy ai phân tích hay được biết đến.
Như với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong khi ngành điện đang kêu thiếu tiền đầu tư để làm ra điện thì lại dành một đống tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực của mình như tài chính, viễn thông, bất động sản... và chắc mọi người không quên đã có lần ngành điện còn đòi tự thưởng cho mình hàng ngàn tỷ đồng một cách vô căn cứ.
Trong khi bài toán quản trị và các loại chi phí của ngành xăng dầu và ngành than cũng tương tự như ngành điện.
Ai cũng đều biết mức thu nhập của nhân viên tại các công ty dầu khí cao ngất ngưởng đến khó tin và tình trạng xăng dầu “chạy” qua biên giới vẫn thường xuyên diễn ra, gây thất thoát một lượng tiền không nhỏ.
Đối với ngành than cũng vậy. Tình trạng buông lỏng quản lý để cho than "thổ phỉ" diễn ra liên tục trong nhiều năm, không những làm tổn thất rất lớn mà nguồn tài nguyên quý của quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt rất nhanh.
Nên chăng trước khi xem xét tăng giá điện, hãy bắt đầu xem xét lại nguyên nhân và hiệu quả thực sự của các tập đoàn này. Đến lúc đó, việc tăng giá sẽ được nhiều người thông cảm và ủng hộ.
(Doanh nhân Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com