Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng FDI khi kinh tế phục hồi

Việc khuyến khích FDI cần bảo đảm không gây trở ngại đối với chủ trương hình thành doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh - tinkinhte.com
Việc khuyến khích FDI cần bảo đảm không gây trở ngại đối với chủ trương hình thành doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh
Các dự báo kinh tế gần đây đều theo hướng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi từ năm 2010, mặc dù còn tiềm ẩn những nhân tố không ổn định.
 
Các nước sẽ điều chỉnh chiến lược đối ngoại để phù hợp với bối cảnh mới về chính trị và kinh tế thế giới. Các tập đoàn kinh tế lớn (TNCs) cũng có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh và đầu tư trên phạm vi toàn cầu.

Bài này bàn về triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta và một vài định hướng để thích ứng với tình hình FDI thế giới sau khủng hoảng kinh tế.

Tín hiệu lạc quan trong thu hút FDI năm 2010

FDI năm 2009 của Việt Nam có vốn đăng ký chỉ bằng 30%, nhưng vốn thực hiện chỉ giảm 16% so với năm 2008. Đó là kết quả đáng khích lệ nếu so với mức giảm gần 2/3 FDI toàn cầu vào các nước đang phát triển và 25-30% ở một số nước trong khu vực (các con số đó đều là vốn thực hiện).

Năm 2010 có những tín hiệu lạc quan hơn về FDI vào nước ta. Theo một báo cáo gần đây về FDI toàn cầu, trong các nước đang phát triển, nhóm các nước mới nổi  Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (BRIC) là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất, sau đó đến Việt Nam và một vài nước khác.

Đánh giá đó dựa trên triển vọng trung hạn và dài hạn về dung lượng thị trường và môi trường đầu tư. Nước ta đã có tổng GDP gần 100 tỷ USD, đã vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người của nhóm nước có thu nhập thấp, với thị trường nội địa được xếp hạng có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới, là nền kinh tế có độ mở lớn trong giao dịch thương mại thế giới - tổng kim ngạch ngoại thương bằng 1,5 lần GDP, có môi trường đầu tư đang dần được cải thiện bằng những nỗ lực của Chính phủ về hoàn thiện thể chế trước và sau khi gia nhập WTO, phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương theo hướng phi tập trung hóa, cải cách thủ tục hành chính và đấu tranh chống tham nhũng, lạm quyền của công chức nhà nước.

Độ tín nhiệm của Việt Nam cũng được nâng cao hơn trước, điều đó thể hiện rõ nhất là mặc dù các nước lớn đều phải đối phó với khủng hoảng toàn cầu, nhưng khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam được các nhà tài trợ cam kết vào cuối năm 2009 là 8,063 tỷ USD, con số khá hấp dẫn với nhiều nước đang phát triển.

Thử hỏi nếu các tổ chức tài chính thế giới như WB, IMF, ADB và các nước không đánh giá cao thế và lực của Việt Nam, cũng như việc sử dụng có hiệu quả ODA và khả năng trả nợ của nước ta thì làm sao có được khoản ODA lớn đó(!). Những lo lắng của người dân về nguy cơ gánh nặng nợ quốc gia để lại cho con cháu đời sau là chính đáng, nhưng cũng cần thấy rằng, không phải nước nào, lúc nào cũng được cộng đồng quốc tế mở hầu bao cho vay nhiều như vậy. Vấn đề còn lại là cần có cơ chế đủ mạnh để các chủ đầu tư được vay lại vốn ODA từ Chính phủ phải thực hiện có hiệu quả kinh tế - xã hội và phải hoàn lại cả vốn và lãi đúng thời hạn.

Việc nước ta tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế trong khung khổ WTO, AFTA, FTA ASEAN - Trung Quốc theo hướng dỡ bỏ dần hàng rào quan thuế và hài hòa hóa hải quan, mở cửa thị trường nội địa từ ngày 1/1/2009 “các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, ngoại trừ: xi măng và clinke, lốp (trừ lốp máy bay), giấy, sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón”; những ngoại trừ này được bãi bỏ sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO tức là từ ngày 1/1/2010, tạo ra lực hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. 

Cần nhắc lại rằng, năm 2008 vấn đề này đã được bàn luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng theo hướng băn khoăn, lo ngại nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong nước khó đứng vững “trên sân nhà”, đã có những cảnh báo về “nguy cơ” phá sản hàng loạt doanh nghiệp. Thực tế  đã không diễn ra như vậy. Hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trở nên đa dạng và phong phú hơn, người tiêu dùng được quyền rộng rãi hơn khi lựa chọn kiểu dáng, nhà cung cấp, loại dịch vụ và tiếp cận với thế giới; đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách thích nghi, không những đứng vững, mà còn vươn lên trong môi trường cạnh tranh mới.

Báo cáo triển vọng đầu tư thế giới của UNCTAD vào tháng 9/2009 dự báo FDI toàn cầu năm 2010 là 1.400 tỷ USD, cao hơn 200 tỷ USD so với năm 2009 và năm 2011 là 1.800 tỷ USD vượt qua mức của năm 2008 là  1.700 tỷ USD. FDI thế giới có xu thế gia tăng trong 2 năm tới là tiền đề để  nước ta có thể thu hút nhiều FDI hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2009, tổng vốn đăng ký FDI là 178 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện là 68 tỷ USD, còn 110 tỷ USD vốn chưa thực hiện. Trong năm 2010, nếu 10% con số đó được thực hiện thì đạt 11 tỷ USD, xấp xỉ mức cao nhất đã đạt được vào năm 2008 là 11,6 tỷ USD, chưa tính đến các dự án mở rộng đầu tư và các dự án đầu tư mới.

Điều chỉnh định hướng thu hút FDI

Sau khủng hoảng kinh tế, Chính phủ chủ trương tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả cao hơn và bảo đảm bền vững hơn.

FDI vào Việt Nam cần được điều chỉnh định hướng và chính sách để đáp ứng tốt nhất các mục tiêu kinh tế- xã hội gắn với tái cơ cấu kinh tế.

Nâng cao chất lượng FDI cần được coi là định hướng quan trọng nhất. Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã trải qua giai đoạn vừa coi trọng số lượng vừa coi trọng chất lượng FDI.

Khoảng 10 năm đầu kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tháng 12/1987 là thời gian cần có nhiều dự án mới, kể cả dự án nhỏ vài trăm ngàn USD, bởi tiềm lực kinh tế của đất nước có hạn, doanh nghiệp trong nước còn quá ít; hơn 10 năm tiếp theo đã chuyển hướng sang coi trọng cơ cấu và chất lượng, nhưng vẫn còn khá nhiều dự án nhỏ tạo việc làm cho vài trăm lao động ở một số địa phương.

Trong những năm tới, nước ta phải giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả đầu tư, kể cả trong nước và FDI để hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, do vậy, chất lượng phải trở thành tiêu chí hàng đầu trong thu hút FDI.

Chất lượng FDI được đo lường bằng mức độ phù hợp của từng dự án với cơ cấu kinh tế của cả nước, từng vùng lãnh thổ trong thập niên tới. Theo đó, các dự án được ưu tiên là công nghệ điện tử, tin học, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Trên cơ sở các quy hoạch ngành kinh tế - kỹ thuật gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ đã được hoạch định dựa trên căn cứ khoa học và từ kinh nghiệm thực tế, có sự bổ sung và điều chỉnh khi cần thiết, tận dụng lợi thế chung của nước ta cũng như lợi thế đặc thù của từng vùng lãnh thổ, các bộ, chính quyền tỉnh, thành phố lựa chọn dự án FDI không phải theo ý đồ của nhà đầu tư như tình trạng khá phổ biến hiện nay, mà phải theo đúng quy hoạch. Đương nhiên, FDI còn xuất phát từ lợi ích của nhà đầu tư, họ có quyền lựa chọn địa điểm để thực hiện dự án, nhưng yêu cầu chất lượng FDI phải được đặt trên căn bản lợi ích dân tộc trong công cuộc chấn hưng đất nước để ganh đua về sức mạnh kinh tế với các nước khác trong một thế giới toàn cầu hóa.

Chất lượng FDI được đặt ra trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng về số lượng và một số trong đó đã tích tụ vốn trở thành những doanh nghiệp lớn, có trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp cao, do vậy cần phải quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp trong nước. Không phải là bảo hộ mậu dịch để dung dưỡng độc quyền, mà là xuất phát từ lợi ích dân tộc trong quản lý đất nước theo hướng lĩnh vực, ngành nghề mà các doanh nghiệp trong nước đầu tư và kinh doanh có chất lượng, chi phí so sánh được với dự án FDI thì ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước. Ở đây đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước vận dụng thông minh, linh hoạt các cam kết quốc tế về mở cữa thị trường, bởi vì có cả tá hàng rào kỹ thuật theo quy định của WTO mà hiện chưa được áp dụng ở nước ta.

Chất lượng FDI gắn với việc xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Hai năm vừa qua, thị trường trong nước như là “khám phá mới” của nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn về xuất khẩu, nhưng đó lại là một trong những vấn đề cơ bản của nước ta, một nước hiện có dân số trên 86 triệu người và sau năm 2020 là 100 triệu người, có thu nhập ngày càng cao, đặc biệt có lối sống coi trọng tiêu dùng, kể cả hàng hóa thời thượng. Chỉ cần lấy con số từ vài nghìn xe ô tô cách đây mười năm, đến gần 200.000 xe ô tô cá nhân được tiêu thụ ở nước ta trong năm 2009 đủ thấy sức mua của người Việt Nam tăng nhanh đến mức nào. Các dự án FDI sẽ được điều chỉnh theo hướng vừa coi trọng xuất khẩu mà những năm sắp đến nước ta vẩn theo đuổi, đồng thời tham gia thị trường nội địa để vừa tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao, duy trì trạng thái cạnh tranh trên thị trường là vấn đề cần được các cơ quan hoạch định chính sách nghiên cứu và có định hướng rõ ràng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước.

FDI với kinh tế vùng và địa phương cần được điều chỉnh về quan điểm, nhận thức để có giải pháp đúng.

Tính đến cuối năm 2009, có 21 tỉnh, thành phố thu hút trên 1 tỷ USD vốn FDI đăng ký, trong đó có 10 địa phương trên 5 tỷ USD. Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương chiếm khoảng 60% tổng vốn FDI đăng ký cả nước. Rất nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ có rất ít dự án FDI, mặc dù Chính phủ đã có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các tỉnh đó và chính quyền địa phương rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư. Thực trạng đó đặt ra hai vấn đề cần được giải quyết: phân bố nguồn lực và hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Việc phân bố nguồn lực bao gồm FDI cần được điều chỉnh theo hướng vừa tạo ra một số đầu tàu kinh tế ở những địa phương có sức lôi kéo kinh tế vùng và cả nước như Hà Nội và TP.HCM, nhưng lại phải điều phối hợp lý để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương chậm phát triển, chưa có môi trường thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Những địa phương này cần được Chính phủ ưu tiên trong việc phân bố nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tại địa phương và doanh nghiệp trong nước. Các tập đoàn kinh tế nhà nước có trách nhiệm phân bố nguồn lực cho các địa phương này để giải quyết một số  vấn đề kinh tế- xã hội bức thiết, nhất là xóa đói, giảm nghèo, không làm giãn thêm khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn.

Để thu hút vốn FDI vào các địa phương này thì quan trọng nhất là xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Kinh nghiệm của nhiều tỉnh đã chỉ ra rằng, chính sách ưu đãi thuế, đất đai là cần, nhưng chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, mà chính là mạng lưới đường giao thông hiện đại, cung ứng điện, nước đầy đủ, có phương tiện thông tin hoàn chỉnh có thể liên lạc với thế giới, có các trường đào tạo nghề đủ cung ứng cho các dự án đầu tư về số lượng, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực. Từng địa phương không thể tự giải quyết được những vấn đề to lớn đó, mà cần có sự quản lý thống nhất của Chính phủ để giải quyết dứt điểm từng vấn đề trong một thời gian nhất định, theo quan điểm hình thành kinh tế vùng lãnh thổ với sự phân công và hợp tác của nhiều địa phương, được điều hành bằng cơ chế và cơ cấu tổ chức thích hợp.

Thị trường và đối tác FDI cần được điều chỉnh hướng vào thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược 2011-2020.

Tính đến cuối năm 2009, đã có 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư gần 11.000 dự án tại Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường đầu tư của nước ta đã thay đổi theo hướng tích cực, từ chỗ chủ yếu là các quốc gia châu Á, hiện nay, nhiều nước công nghiệp phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có những dự án lớn ở nước ta. Năm 2009, Mỹ - nước đứng đầu thế giới về đầu tư ra nước ngoài là nước có vốn đăng ký nhiều nhất tại Việt Nam. Tuy vậy, một số nước hàng đầu ở châu Âu như Đức, Pháp, Anh còn có ít dự án FDI mặc dù quan hệ hợp tác giữa nước ta với EU đã được cải thiện rõ rệt.

Việt Nam cũng khá thành công trong việc thu hút FDI của các TNCs hàng đầu thế giới. Sự hiện diện của IBM, Intel, Canon, LG, Toyota… tại thị trường Việt Nam không những tạo ra sản phẩm công nghệ cao, mà còn có sức lôi kéo các nhà đầu tư đầy tiềm năng. Tuy vậy, số lượng các doanh nghiệp trong danh mục 500 TNCs lớn nhất thế giới đầu tư vào Việt Nam còn quá ít nếu so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Làm gì để có sự chuyển động mạnh mẽ thị trường và đối tác FDI trong thập niên tới(?).

Nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới của quá trình phát triển kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, nhiều dự án lớn đang chờ đợi các TNCs từ các nước thuộc OECD, đó là tiền đề vật chất quan trọng có sức hấp dẫn đối với họ.

Vấn đề còn lại là nhận biết đầy đủ những đòi hỏi của các nhà đầu tư lớn, trước hết là luật pháp cần phải nhất quán, đồng bộ, bảo đảm công khai và minh bạch. Các TNCs đòi hỏi rất khắt khe về việc thực thi nghiêm chỉnh luật pháp, điển hình là Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như hoạt động độc lập của các tòa án khi xử các vụ kiện thương mại và đầu tư quốc tế,

OECD ban hành những chỉ dẫn khá hoàn chỉnh và chi tiết về việc các doanh nghiệp thuộc Tổ chức này được làm và không được phép làm khi đầu tư vào một quốc gia. Những quy định đó cần được các bộ, chính quyền địa phương tham khảo khi xây dựng thể chế và trong quản lý nhà nước đối với FDI.

Cũng cần nghiên cứu việc nước ta thông qua FDI với các TNCs hàng đầu thế giới tham gia có hiệu quả và hệ thống sản xuất toàn cầu. Tác động lan tỏa của FDI chính là từ việc lôi kéo được các TNCs  để phát huy lợi thế của đất nước tạo ra những sản phẩm, ngành nghề, dịch vụ mới và hiện đại thông qua việc lựa chọn có tính toán để nước ta tham gia vào một số khâu, một số sản phẩm có quy mô đủ lớn trong từng hệ thống sản xuất toàn cầu. Đó là một vấn đề cần được nghiên cứu khi xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020.

Những thay đổi cần thiết về chính sách FDI

Chuyển sang giai đoạn mới cần có những thay đổi cần thiết về chính sách FDI. Chính sách FDI được chia làm 3 loại: chính sách thu hút FDI, chính sách nâng cấp FDI và chính sách khuyến khích các mối quan hệ giữa TNCs quốc tế với doanh nghiệp trong nước.

Trong hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, bảo đảm các nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), tối huệ quốc (MFN). Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 là một bước tiến lớn về chính sách thu hút FDI. Vấn đề đặt ra là, việc thực hiện chính sách phải thống nhất trong cả nước, không được để xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”, một số tỉnh, thành phố tự ban hành các quy định trái luật, ưu đãi quá mức cần thiết cho nhà đầu tư chỉ vì muốn có được dự án FDI, mà không tính đến lợi ích của địa phương và của cả nước.

Hiện nay, cần nghiên cứu để có được chính sách nâng cấp FDI theo những định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực và đối tác đầu tư. Đối với các dự án công nghệ cao, cần có chính sách đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong điều kiên cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước rất gay gắt.

Kinh nghiệm thành công từ việc mời Intel vào nước ta để thực hiện dự án lớn, trong khi 3 nước khác trong khu vực cũng tìm mọi cách để có được dự án này, đã cho thấy không chỉ là chính sách chung, mà phải biết nhân nhượng trên cơ sơ bảo đảm lợi ích lâu dài đối với từng dự án của TNCs. Cũng cần tổng kết thực tiễn như việc lựa chọn và ban hành chính sách ưu đãi khá đặc biệt đối với Khu kinh tế mở Chu Lai, mà sau nhiều năm chỉ thu được kết quả khá khiêm tốn, để rút ra những bài học cần thiết khi xây dựng chính sách nâng cấp FDI.

Chính sách khuyến khích các mối liên kết giữa TNCs với các doanh nghiệp trong nước hiện chưa được chú ý đúng mức, khi mà các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều.

Trong những năm gần đây, đã có sự chuyển biến đáng quan tâm trong các hình thức đầu tư. Nếu như trước năm 2000, các doanh nghiệp liên doanh chiếm tỷ trọng 60-70% các dự án FDI, thì từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đó.

Hầu như chưa có một nghiên cứu nào từ các cơ quan quản lý nhà nước về xu hướng phát triển này đã đặt ra những vấn đề gì cho đất nước, nhất là sức lan tỏa tác động FDI đối với các doanh nghiệp trong nước.

Đã đến lúc cần có những chỉ dẫn gắn với các quy định của Chính phủ về lĩnh vực, ngành nghề, dự án cần được liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sơ bảo đảm rằng, việc khuyến khích FDI không gây trở ngại đối với chủ trương hình thành doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh, đủ sức làm chủ thị trường trong nước và từng bước có chổ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới. Cũng cần có chính sách mua lại, sát nhập đối với các TNCs quốc tế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mua lại và sát nhập các doanh nghiệp FDI.

Cho dù nước ta vẫn kiên định chính sách khuyến khích FDI, nhưng cũng cần có các van an toàn để đề phòng sự lũng doạn thị trường, như đã từng xảy ra ở một số nước, khi một vài TNCs lợi dụng tình hình khó khăn về tài chính, tiền tệ và sự lỏng lẻo của hoạt động quản lý nhà nước đối với FDI.

Năm 2010 là năm cuối cùng của chiến lược kinh tế - xã hội 2001-2010, chuẩn bị hành trang cho thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, do vậy việc tổng kết FDI bằng những khảo sát có hệ thống hoạt động thực tiễn từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, các địa phương, đánh giá đúng thành tựu và đóng góp của FDI, những khiếm khuyết cần khắc phục, bao gồm cả chính sách, quản lý nhà nước, phân cấp cho các địa phương… để có được cơ sở thực tiễn làm căn cứ sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách FDI phù hợp với các định hướng và mục tiêu của chiến lược mới.

(Theo GS. TSKH Nguyễn Mại // Báo đầu tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ai thực sự đang mua nhiều vàng nhất?
  • Lợi nhuận ngân hàng: Chưa dám kỳ vọng cao
  • Điểm nhấn thu hút đầu tư
  • Đồng tiền chung châu Âu trước khủng hoảng nợ Hy Lạp: Họa vô đơn chí
  • Cung - cầu vốn sẽ cân bằng trở lại
  • CPI tăng cao nhưng không phải đột biến
  • Xuôi - Ngược dòng FDI
  • Xác định xu hướng lãi suất: Chưa dễ!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!