Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lợi nhuận ngân hàng: Chưa dám kỳ vọng cao

So với năm 2009, tình hình kinh tế năm 2010 được đánh giá sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Song, với hoạt động của ngành ngân hàng, bên cạnh thuận lợi, thách thức vẫn chực chờ. Bởi lẽ, chủ trương hỗ trợ lãi suất đã được thu hẹp so với năm trước. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được kiểm soát ở mức thấp hơn. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận được các ngân hàng cân nhắc kỹ trước mùa ĐHCĐ sắp diễn ra.

Dè dặt


Kết thúc tháng 1/2010, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thu về trên 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo kế hoạch dự kiến chuẩn bị trình ĐHCĐ trong kỳ họp thường niên diễn ra ngày 15/3 tới, Sacombank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm nay là 2.400 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009; giữ ổn định cổ tức ở mức 14 - 16%/vốn cổ phần. Trong khi đó, cuối năm trước, con số lợi nhuận Sacombank dự kiến đưa ra cho năm 2010 là 2.600 tỷ đồng.

Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, trước khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức trên, Ngân hàng đã có sự tính toán, bàn bạc và xem xét rất kỹ lưỡng thuận lợi và khó khăn đối của hoạt động của ngành trong năm 2010. Theo ông Thành, mục tiêu lợi nhuận dự kiến trình ĐHCĐ năm nay là 2.400 tỷ đồng, nhưng Sacombank kỳ vọng và phấn đấu sẽ đạt được con số cao hơn, khoảng 2.800 tỷ đồng.

Mặc dù đã thu về gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm qua, nhưng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) cũng chỉ đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2010. Theo một cán bộ cấp cao VCB, chỉ tiêu lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, song cũng không thể kỳ vọng quá cao, nhất là trước tình hình thị trường còn có những khó khăn như hiện nay. Chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra tuy đã "dễ thở" hơn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với khoản vốn vay trung - dài hạn, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Nhà đầu tư cũng đang ngóng chờ chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010 của Ngân hàng Á Châu (ACB) sẽ trình trong ĐHCĐ vào ngày 10/4 tới. Trong năm qua, ACB là một trong những ngân hàng đã hoàn thành tốt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra ở mức tương đối cao (đạt 2.818 tỷ đồng). Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận cho năm 2010 cũng không hẳn dễ dàng đối với ngân hàng này khi sàn vàng trực thuộc (vốn đóng góp lợi nhuận không nhỏ cho ACB trong 2 năm qua) sẽ phải đóng cửa vào cuối tháng 3 này.

Theo đánh giá chung, áp lực lợi nhuận đang ngày một gia tăng đối với những ngân hàng cổ phần có quy mô vốn lớn trên thị trường hiện nay. VCB cũng không ngoại lệ, vì tổng vốn điều lệ của Ngân hàng đã đạt trên 12.000 tỷ đồng. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận cao sẽ tạo áp lực lớn lên ban điều hành và HĐQT của các ngân hàng.

Hiện ban điều hành và HĐQT một ngân hàng tại TP. HCM, có mức vốn đứng vào "top" đầu trong khối ngân hàng cổ phần, đang "đau đầu" với bài toán lợi nhuận xây dựng cho năm 2010, khi mà tổng vốn điều lệ lên đến con số xấp xỉ 9.000 tỷ đồng. Trong năm qua, ngân hàng này thu về 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đúng với kế hoạch xây dựng và dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay không vượt nhiều so với mức trên.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế thu về trong năm nay dự kiến tăng 37,5% so với năm 2009, đạt 550 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ chiếm 14% tổng thu nhập thuần. Kết thúc tháng 1/2010, ABBank thu về 48,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

WesternBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm 2010 là 160 tỷ đồng, ngang bằng so với năm trước. Kết thúc tháng 1/2010, WesternBank đạt 13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, huy động vốn đạt 6.871 tỷ đồng và dư nợ cho vay là 1.735 tỷ đồng.

…vì tín dụng giảm?

Với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế, ABBank cho biết, phấn đấu giữ nhịp độ tăng trưởng ở mức 30 - 40% trong năm 2010. Trong đó, mục tiêu huy động vốn tăng 61% so với năm 2009, đạt 20.399 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 17.340 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã được NHNN đưa ra năm nay ở mức 25% so với mức thực hiện cả năm trước là gần 38%, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ thấp hơn năm trước.

Theo thông tin từ VCB, năm 2010, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15%; huy động vốn tăng 28% và dư nợ tín dụng tăng 23 - 25% so với năm 2009, ngang bằng với kế hoạch đưa ra năm trước; nợ xấu dưới 2,9%.

Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đặng Văn Thành, so với năm trước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong năm nay sẽ được tính toán kỹ lưỡng theo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổng dư nợ cho vay quy VND dự kiến đạt khoảng 80.000 tỷ đồng trong năm 2010, tăng 45% so với năm 2009 (mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Sacombank trong năm 2009 là 65%). Còn tổng nguồn vốn huy động quy VND dự kiến đạt trên 129.000 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2009. Tỷ lệ cho vay/tổng huy động của Sacombank sẽ là 60 - 70% và tỷ lệ nợ quá hạn được kiểm soát ở mức 2%.

Ông Thành cho rằng, với quyết định cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vốn vay trung - dài hạn của NHNN đã tạo điều kiện tốt hơn cho Ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, nếu áp dụng mức lãi suất cao sẽ khó thu hút được khách hàng vay vốn. Ông Thành cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ không xây dựng cao như năm trước. Trong cơ cấu thu nhập của Sacombank năm 2009, nguồn thu từ tín dụng chiếm 25,5%, còn lại là thu từ dịch vụ và thu nhập khác. Vì thế, mục tiêu của Sacombank trong năm nay là đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để gia tăng nguồn thu. Hiện bình quân mỗi tháng Sacombank thu về 50 tỷ đồng từ hoạt động phi tín dụng.

Có thể nói, năm nay, nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận ngân hàng không còn dồi dào từ mảng hoạt động dịch vụ. Trong đó, phải kể đến hoạt động thu phí từ sàn vàng, cũng như hoạt động cho nhà đầu tư vay vốn kinh doanh vàng qua sàn. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài hiện không còn và kinh doanh ngoại tệ - vốn được xem là thế mạnh, đóng góp nguồn thu lớn cho một số ngân hàng trước đây, cũng trở nên trầm lắng, khi cung - cầu ngoại tệ chưa được khơi thông.

Vì thế, việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận cho năm 2010 được các ngân hàng cân nhắc khá kỹ. Song, một số vị lãnh đạo ngân hàng cho biết, đang hồi hộp chờ đợi mùa ĐHCĐ năm nay, vì lo ngại cổ đông sẽ đặt ra nhiều câu hỏi khó. Trong khi đó, nhiều ngân hàng phải tiếp tục xây dựng kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là với những ngân hàng quy mô vốn nằm dưới 3.000 tỷ đồng, phải nâng lên con số này trước khi năm tài chính 2010 kết thúc mới có thể đáp ứng được quy định.          

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Điểm nhấn thu hút đầu tư
  • Đồng tiền chung châu Âu trước khủng hoảng nợ Hy Lạp: Họa vô đơn chí
  • Cung - cầu vốn sẽ cân bằng trở lại
  • CPI tăng cao nhưng không phải đột biến
  • Xuôi - Ngược dòng FDI
  • Xác định xu hướng lãi suất: Chưa dễ!
  • Nợ nước ngoài hủy hoại sức mạnh của Mỹ
  • Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Dự cảm giá cả lạm phát năm 2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!