Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tiễn hoạt động, cũng như điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế
Chiều 20/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) và Báo cáo thẩm tra về Dự án luật này do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày.
Sửa đổi, bổ sung Luật KDBH là cần thiết
Đây là ý kiến thống nhất trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Kể từ khi Luật KDBH được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001 đến nay, Luật KDBH đã đạt được một số kết quả nhất định; tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo ra khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự, ngăn ngừa những hành vi trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 3.056 tỷ đồng năm 2000 lên 25.510 tỷ đồng năm 2009, tăng 8,3 lần và đạt 2% GDP, với tốc độ tăng bình quân trên 27%/năm. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế tăng từ 5.000 tỷ đồng năm 2000 lên 66.900 tỷ đồng năm 2009, tăng 13,3 lần.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Quy mô thị trường bảo hiểm đang còn nhỏ, doanh thu mới đạt 2% GDP so với mức trung bình của thế giới là 7%. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh, khép kín hoạt động bảo hiểm theo ngành, tạo ra sân chơi không bình đẳng. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm chưa cao, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm chưa được bảo vệ tối ưu.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH trình Quốc hội tại Kỳ họp này tập trung vào 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 10 nội dung tại 16 điều, trong tổng số 129 điều của Luật KDBH hiện hành. Tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi để phù hợp với các luật có liên quan và sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững.
Cần quy định cụ thể hơn trong từng điều khoản của Luật
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, các nội dung sửa đổi, bổ sung do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã được chuẩn bị khá kỹ, đã tiếp thu ý kiến của các đối tượng có liên quan, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, trong một số điều, khoản cần có những quy định cụ thể hơn.
Về nội dung cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới (quy định tại điều 6 và điều 105 của Luật), Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới nhằm phù hợp với các cam kết của WTO. Tuy nhiên, do hoạt động này có liên quan đến việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất, vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng các quy định trong khuôn khổ cam kết nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc (các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trực tiếp) để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế của Nhà nước.
Về quy định tái bảo hiểm bắt buộc (điều 9), Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tái bảo hiểm là do doanh nghiệp hoàn toàn chủ động nhằm san sẻ rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt đối với những hợp đồng dịch vụ bảo hiểm lớn như: bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh, bảo hiểm các công trình dầu khí... thì các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước không đủ khả năng tài chính. Do đó, tán thành việc sửa đổi, bổ sung điều này cho phù hợp với cam kết của Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chí hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính pháp lý cao hơn tạo điều kiện cho việc thực hiện áp dụng Luật sau này.
Về điều kiện cấp phép (điều 63), Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ bổ sung điều kiện bắt buộc “về năng lực tài chính và bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp” đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, để chặt chẽ, rõ ràng đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết, ngay trong dự thảo Luật như: điều kiện về tổng tài sản, số năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ góp vốn của thể nhân, pháp nhân, không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm... hoặc quy định rõ ràng hơn thế nào là bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp.
Bên cạnh những ý kiến về các điều khoản trên, Ủy ban Kinh tế cũng cho ý kiến về: Điều 10, quy định các vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh; Điều 59, sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp; Điều 69, sửa đổi các quy định phải được Bộ Tài chính chấp thuận; Điều 97, trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm; Về chức năng quản lý Nhà nước (Điều 120 và Điều 122).
Ngoài các nội dung trên, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này chỉ sửa đổi, bổ sung quy định tại 16 điều, nhưng có đến 7 điều có nội dung dự kiến giao Chính phủ quy định. Do đó, Ủy ban đề nghị trong một số điều khoản có thể nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể vào Dự thảo Luật, hạn chế việc giao Chính phủ quy định bằng các văn bản dưới Luật để khi Luật có hiệu lực thi hành có thể triển khai thực hiện được ngay.
Trước đó, cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011. Tiếp đó, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về nội dung báo cáo trên.
Sáng mai (21/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này./.
(VOV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com