Chiều 27/12, tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 21 giải pháp nằm trong gói 4 nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó có nhóm giải pháp lớn là kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, tiền kích cầu lấy ở đâu và kích cầu vào địa chỉ nào là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ.
Địa chỉ kích cầu chưa rõ ràng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi: để thực hiện được 21 giải pháp trong báo cáo, rồi dự định dành tới 6 tỷ USD (tính tổng cộng tất cả các nguồn) để kích cầu thì số tiền đó lấy ở đâu, có thuộc phạm vi ngân sách Quốc hội đã quyết không, nếu vay thì lấy đâu để trả, trả thế nào?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính gói kích cầu có nguồn từ tiền thật và từ chính sách. Những khoản 2008 tiêu không hết thì Chính phủ cho phép chuyển nguồn thực hiện tiếp. Chính phủ xin phát hành thêm trái phiếu để đẩy nhanh tốc độ đầu tư là nguồn thứ hai
Nguồn thứ ba là tiền miễn giảm thuế để lại cho doanh nghiệp dùng nguồn này tăng đầu tư. Chính phủ cũng dự kiến trích 1 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối sử dụng trực tiếp cho kích cầu. Hướng là không cấp vào đầu tư công trình cụ cụ thể mà để hỗ trợ lãi suất cho một số đối tượng để thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư.
Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên "phản biện": cần làm rõ cái "chưa chi hết" vì không có khoản nào chưa chi hết, số vượt thu năm 2008 thì trước khi Chính phủ chi như thế nào thì phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số này cũng chưa rõ là bao nhiêu. 1 tỷ USD từ dự trữ ngoại tệ cũng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Những khoản chi có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì phải xin ý kiến Quốc hội, Phó chủ tịch lưu ý.
Giải trình của Bộ trưởng Ninh về kích cầu cũng chưa thuyết phục được nhiều đại biểu. Ông Hà Văn Hiền cho rằng địa chỉ kích cầu chưa rõ ràng. Nguồn vốn mà Chính phủ huy động kích cầu đầu tư là rất lớn, lên đến 220 ngàn tỷ đồng (theo thông tin của Ủy ban) nhưng sẽ không dễ giải ngân nếu không nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn băn khoăn, không hiểu Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn với gói 1 tỷ là một hay không? Theo ông đây là việc làm đúng nhưng phân bổ như thế nào, địa chỉ kích cầu ở đâu thì nhân dân rất quan tâm, cần được làm rõ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu, Quốc hội phải biết rõ từng đồng vốn đầu tư kích cầu ở đâu.
Ông Ninh giải trình: một số vấn đề cụ thể sẽ báo cáo sau với Quốc hội, vì Chính phủ đang còn giao cho các bộ làm.
Gói 1 tỷ USD kích cầu Chính phủ chưa quyết định phương thức cụ thể. Tuy nhiên nhiều ý kiến nên bù lãi suất thì nhiều đối tượng được vay. Nếu kéo dài 1 năm cho vay thì huy động khoảng 400 ngàn tỷ tăng đầu tư và sản xuất, Bộ trưởng Ninh nói thêm.
Thuế thu nhập cá nhân: Chủ yếu là vấn đề tâm lý
Tác động của việc miễn giảm, giãn thuế cá nhân như đề nghị của Chính phủ được nhiều đại biểu “mổ xẻ” cặn kẽ.
Cho rằng việc miễn giảm hoãn thuế cá nhân là rất khó nên vẫn chuẩn bị thực hiện đúng thời gian, song Bộ trưởng Ninh cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ lớn thì việc miễn thuế sẽ tạo ra tâm lý tốt cho nhà đầu tư, khuyến khích họ quay lại thị trường, góp phần chặn đà suy giảm thị trường, giúp các công ty đang niêm yết có cơ hội huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Nếu không thực hiện miễn giảm thuế được thì tác động đến tâm lý thị trường rất nặng nề.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhận định tác động tâm lý nghiêm trọng chính là ở thị trường chứng khoán, vì đây là kênh đầu tư của doanh nghiệp. Nếu quyết định chậm thì thị trường chứng khoán có thể đình đốn hoặc đóng cửa.
Đại biểu Phùng Quốc Hiển tính toán, nếu giảm 30% thì giảm khoảng 3 ngàn tỷ, chỉ mang yếu tố tâm lý nhiều hơn yếu tố về vật chất. Chính thuế thu nhập cá nhân này có lợi hơn rất nhiều với pháp lệnh thuế thu nhập cao cho người nộp thuế vì có giảm trừ gia cảnh.
Cũng theo ông Hiển, miễn chỉ cho một bộ phận thì không nên, “nếu Quốc hội miễn thì miễn luôn cho tất cả thì mọi người đều vui vẻ”.
Trước phần thảo luận căng thẳng, và đề nghị thêm phương án giãn 10 tháng của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Bộ trưởng Ninh “than”: giãn nộp 10 tháng thì dài quá. Mà pháp lệnh thuế thu nhập cao cũng không còn hiệu lực là không công bằng, mất quá nhiều tiền.
Có chung nhận xét nếu thuận theo đề xuất của Chính phủ về thực hiện Luật Thuế Thu nhập cá nhân thì sẽ tạo ra tâm lý phấn khởi, song các đại biểu cũng “dứt khoát không thể làm sai luật”. Và vì thế, câu chuyện miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa đến hồi kết.
Xuất khẩu khó đạt…5%
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, khủng hoảng kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đên Việt Nam nhanh hơn dự báo, dự kiến và phức tạp hơn rất nhiều.
Những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh giảm nhanh. Đặc biệt với xuất khẩu, với khả năng hiện nay, nếu không có giải pháp đặc biệt thì tốc độ tăng 5% là khó, (chỉ tiêu năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%) trong khi xuất khẩu chiếm đến 70% tăng trưởng GDP. Suy giảm kinh tế đã rất rõ nét.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia thì tình hình năm 2009 tăng trưởng GDP 6,5 % là hết sức khó khăn. Có ý kiến nói rằng nếu không có có tác động đặc biệt thì có thể còn dưới 5%. Chính phủ đang cố gắng giữ ít nhất là 6% chứ dưới 6% thì rất nguy hiểm. Nếu chỉ đạt 6% thì thu ngân sách sẽ giảm hơn chục ngàn tỷ, ông Ninh nói.
Bối cảnh đặc biệt đó cần giải pháp đặc biệt. Để thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2009, Chính phủ đã thực hiện ngay những giải pháp cấp bách phù hợp với diễn biến mới của tình hình. Đó là bốn nhóm giải pháp lớn, bao gồm thúc đẩy phát triền sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tiền tệ; đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng về ngân sách, Bộ Tài chính đã tính 5 phương án ngân sách với 5 phương án điều hành tương ứng. Thủ tướng dự định tháng 3/2009 sẽ xem xét lại và báo cáo cấp có thẩm quyền về vấn đề ngân sách.
Góp ý với những giải pháp của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền băn khoăn khi giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mới nói đến hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vưà và nhỏ, chưa chú ý đến tạo đầu ra cho các doanh nghiệp. Trong khi đầu ra mới quan trọng, ông Hiền lưu ý.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ sơ bộ đánh giá bước đầu về khả năng thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 để Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất, cần thiết thì điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với thực tiễn năm 2009.