Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trần lãi suất “ngáng chân” tín dụng tiêu dùng

Trần lãi suất sẽ làm thui chột ngành tín dụng tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam trước khi nó đạt đến một khối lượng đủ lớn.

Đây là lo ngại mà các chuyên gia đặt ra trong khuôn khổ thảo luận về chính sách đối với ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, theo chương trình Hội nghị Nhóm tư vấn Các nhà tài trợ 2008, tổ chức sáng 1/12 tại Hà Nội.

“Tác hại sẽ nặng nề”

Ngày 16/5/2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN, chính thức đưa cơ chế điều hành lãi suất theo trần. Cụ thể, từ ngày 19/5/2008, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (như quy định tại Bộ luật Dân sự).

Quyết định này, dù có chủ ý hay không, cũng có hiệu lực đối với cho vay tiêu dùng và tín dụng bán lẻ (hiện khống chế ở mức tối đa 16,5%/năm). Và theo đánh giá của Tiểu ban Tín dụng tiêu dùng thuộc Nhóm công tác ngân hàng của hội nghị trên, “nếu mức trần được áp dụng như vậy sẽ gây tác hại nặng nề tới tín dụng bán lẻ ở Việt Nam”.

Phân tích cho thấy, trần lãi suất này sẽ ngăn cản tất cả các khoản cho vay có lãi suất xác định dựa trên thống kê yếu tố rủi ro đối với người vay cao hơn mức trần này. Ngay với cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng thường có rủi ro và chi phí cao hơn nhưng vẫn chịu chung một “trần”.

Hậu quả của quyết định trên ngân hàng ngừng hoặc hạn chế cho vay loại này, đẩy một phần lớn khách vay ra khỏi thị trường tín dụng chính thức/có điều tiết để gia nhập thị trường phi chính thức/chợ đen; làm giảm sự phát triển của việc cho vay dựa trên những đánh giá khách hàng kỹ càng và quản lý rủi ro chặt chẽ, và do vậy bộ phận có rủi ro cao hơn sẽ không được phục vụ đúng mức.

Đi cùng với những phân tích trên, đại diện Tiểu ban Tín dụng tiêu dùng khuyến cáo “Quyết định 16 sẽ làm thui chột ngành tín dụng tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam trước khi nó đạt đến một khối lượng đủ lớn”.

Điều đó xảy ra không chỉ đúng với các tổ chức tín dụng nước ngoài mà cả với các ngân hàng trong nước. Sản phẩm mới như cho vay không có bảo đảm dưới hình thức vay trả góp hay thẻ tín dụng sẽ bị cắt giảm hay chuyển thành khoản vay “có bảo đảm”, và do đó sẽ làm giảm khả năng thâm nhập và tác động tích cực của lĩnh vực dịch vụ tài chính còn mới mẻ này.

Trên thực tế, sau thời kỳ bùng nổ cuối năm 2007, từ đầu năm 2008, hầu hết các ngân hàng thương mại đã khép cửa hoặc giải ngân hạn chế đối với tín dụng tiêu dùng. Gần đây, hoạt động này đang có xu hướng dần nối lại.

Đáng chú ý là trước đó hầu hết các ngân hàng đã đầu tư vốn lớn cho việc phát triển hệ thống, hạ tầng, nhân lực dựa trên cơ sở dự báo tăng trưởng của lĩnh vực này trong điều kiện bình thường. Và chính trần lãi suất đã làm đổ vỡ phần lớn các kế hoạch này, dẫn đến phải cắt giảm quy mô hay có những trường hợp phải đóng cửa tạm thời những bộ phận tín dụng bán lẻ, theo xác định của các chuyên gia.

Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam, Trưởng nhóm Ngân hàng tại hội nghị, khuyến nghị rằng: trong điều kiện cần lấp khoảng trống khi nhu cầu trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần phải kích thích tiêu dùng trong nước, trong đó cần có quy định riêng biệt cho dịch vụ cho vay cá nhân, khác với cho vay doanh nghiệp.

“Tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng GDP ở Việt Nam. Chính vì vậy dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần được khuyến khích mở rộng và phát triển thay vì áp đặt trần lãi suất như hiện nay”, ông Ashok Sud nói.

Ngoài ra, phía sau sự cản trở đối với tín dụng tiêu dùng, trần lãi suất còn gián tiếp tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của ngành bán lẻ do nhu cầu tín dụng sẽ giảm, hoặc hoạt động kinh tế liên quan bị ngừng trệ do không vay được vốn…

Tại diễn đàn sáng nay, thông điệp mà các chuyên gia trong Tiểu ban Tín dụng tiêu dùng đưa ra là “mong Ngân hàng Nhà nước thấu hiểu mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi, cũng như xem xét lại các quy định để giải quyết các vấn đề nêu trên”.

Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Trong biên bản cuộc họp thảo luận với nhóm công tác trên tại thời điểm ban hành Quyết định số 16, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết nhà điều hành đã cân nhắc kỹ lưỡng hoạt động tài chính tiêu dùng khi ban hành Quyết định số 16 và cũng đã tính đến những tác động tiêu cực liên quan.

“Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng theo thông lệ bình thường, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, xét đến ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay (thời điểm ban hành quyết định – PV) là kiềm chế lạm phát và giảm thâm hụt mậu dịch, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Cụ thể là kiểm soát tiêu dùng, đặc biệt là hàng hóa xa xỉ; hạn chế hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm giảm nhập khẩu (qua đó hạn chế thâm hụt mậu dịch) và tiết kiệm vốn nhằm mục đích phát triển kinh tế”, ông Bảo giải thích.

Mặt khác, vào đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo là sẽ kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng.

Người đại diện Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề này cũng cho rằng tác động của cho vay tiêu dùng đến GDP của Việt Nam hiện nay chưa lớn; không cần thiết có một cơ chế riêng rẽ cho hoạt động cho vay tiêu dùng ở giai đoạn này; việc người dân vay tiền từ thị trường không chính thức như từ bạn bè, người thân là bình thường…

Trước khó khăn từ việc phải ngừng hoặc giải ngân hạn chế ở hoạt động này, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng, nhất là khi đã đầu tư nhiều cho hạ tầng, nhân lực… trước đó, ông Bảo cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và xem xét khi nào và làm thế nào để có những giải pháp hỗ trợ. Và chính các ngân hàng cũng phải tự tìm những giải pháp để vượt qua thời kỳ khó khăn này!

Trong tháng 10 và 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng theo hướng tăng cung tiền qua thanh toán tín phiếu bắt buộc trước hạn, giảm dự trữ bắt buộc, trả thêm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, giảm các lãi suất chủ chốt… Từ cuối tháng 11, một số ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu nối lại hoạt động tín dụng tiêu dùng…

Tuy nhiên, việc sửa đổi cơ chế trần lãi suất hay không vẫn chưa được gợi mở. Trong khi đó, một số khuyến nghị gần đây cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại cơ chế lãi suất thỏa thuận.

(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Phong trào “đô thị hóa” ngân hàng
  • Ba nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá trên thị trường tiền tệ
  • Áp lực “kép”
  • Động lực mới cho Khu vực Tam giác phát triển
  • Cơ hội cho sự đảo chiều
  • Tạo chuyển biến mạnh về đầu tư năm 2009
  • Áp lực giải ngân vốn FDI
  • Thiếu cơ chế giám sát hiệu quả vốn đầu tư
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!