Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vay nợ nước ngoài là cần thiết

Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế hiện rất lớn. Ảnh: Đức Thanh
Trước nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi nợ nước ngoài của Việt Nam đang ở ngưỡng an toàn, thời gian tới, nước ta vẫn cần tận dụng nguồn vốn này.
 
Nếu chỉ nhìn vào các chỉ tiêu giám sát về nợ nước ngoài được công bố trong Bản tin nợ nước ngoài năm 2009 thì sự quan ngại của các chuyên gia kinh tế không phải là không có cơ sở, mặc dù trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nhiều lần khẳng định rằng, nợ nước ngoài nói riêng, nợ công nói chung của Việt Nam rất an toàn, vẫn nằm dưới ngưỡng cảnh báo của các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo công bố của Bộ Tài chính, năm 2009, tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam tương đương 39% GDP; nợ nước ngoài khu vực công (nợ Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh) tương đương 29,3% GDP; nghĩa vụ trả nợ bằng 4,2% kim ngạch xuất khẩu và bằng khoảng 5,1% thu ngân sách nhà nước. So với 5 năm trước đó, các chỉ tiêu này đều tăng mạnh, đặc biệt so với năm 2008 (tổng số nợ nước ngoài tương đương 29,8% GDP; nợ nước ngoài khu vực công tương đương 25,1% GDP; nghĩa vụ trả nợ bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu và bằng khoảng 3,5% thu ngân sách nhà nước).

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), hiện có nhiều đánh giá khác nhau về thực trạng nợ của Việt Nam do đánh giá trên những giác độ khác nhau và sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau. “Trên quan điểm những số liệu chính thống, tôi khẳng định, việc vay nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuyệt đại đa số trong số hơn 560 công trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay đều phát huy hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,8% - thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng”, ông Đô nói.

Ngưỡng an toàn trong vay nợ nước ngoài, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới là tổng dư nợ dưới 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ hàng năm dưới 35% tổng thu ngân sách và dưới 25% kim ngạch xuất khẩu. “Căn cứ vào những chỉ tiêu này thì có thể thấy, việc vay nợ nước ngoài của Việt Nam rất an toàn”, ông Đô nói.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nguồn vốn cần đầu tư trong thời gian tới là rất lớn. Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước có hạn, nguồn vốn vay của Chính phủ để đầu tư cho nền kinh tế hiện chiếm khoảng 17% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, vấn đề đặt ra là, liệu có nên tiếp tục vay nợ để đẩy mạnh đầu tư hay không.

Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thuý, tăng vay nợ đi đôi với tăng đầu tư công, tăng chi tiêu của Chính phủ, gia tăng thâm hụt ngân sách và nếu không cẩn trọng sẽ dẫn tới khủng hoảng nợ công như một số nước châu Âu đang phải đối mặt, nhưng Chính phủ các nước và các chuyên gia tài chính quốc tế vẫn đang bất đồng về vấn đề này. Đơn cử, bất chấp thâm hụt ngân sách lên tới 1.300 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn cảnh báo rằng, việc cắt giảm mạnh chi tiêu công sẽ làm tổn hại tới sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng. Ngược lại, một số thành viên EU như Anh, Pháp và Đức lại đi đầu trong việc cắt giảm đầu tư công, giảm thâm hụt ngân sách để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ bùng phát.

Đối với Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, vì vậy theo quan điểm của ông Thuý và nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, vẫn phải tận dụng nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình vay nợ, Việt Nam phải rà soát thực trạng và năng lực quản lý, giám sát nợ công nói riêng và tài chính công nói chung.

Năm 2009, đứng trước khó khăn về nguồn vốn, lần đầu tiên, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu ngoại tệ. Mặc dù trái phiếu ngoại tệ có kỳ hạn rất ngắn, song phải trả với lãi suất khá cao (3%/năm đối với kỳ hạn 1 năm; 3,2%/năm đối với kỳ hạn 2 năm; 3,6%/năm đối với kỳ hạn 3 năm). Trong khi đó, vay nợ nước ngoài, đặc biệt là vay ODA, thường có kỳ hạn vay rất dài (20 - 30 năm), với lãi suất thấp hơn (trả lãi suất bình quân 2,1% năm 2010). Nếu so sánh, mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với vốn huy động trong nước (huy động nội tệ phải trả lãi suất trên 10%/năm).

Vì vậy, theo ông Đô, trong bối cảnh tích luỹ trong nước không đủ, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, việc vay nợ nước ngoài của Việt Nam để đầu tư là tất yếu. “Quan trọng nhất trong việc vay nợ trong thời gian tới là phải huy động và sử dụng vốn gắn kết với ngưỡng an toàn nợ theo đúng yêu cầu của Luật Quản lý nợ công; vay nợ phải kết hợp với thúc đẩy thị trường trái phiếu trong nước phát triển; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay”, ông Đô phát biểu.

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Mời đầu tư kiểu “sống chết mặc bay”
  • Tại sao thế giới đổ xô mua đồng yên?
  • Ai trục lợi từ khủng hoảng nợ châu Âu?
  • Thị trường chứng khoán: Tại sao phải “tháo chạy”?
  • Phòng thủ chồng chéo
  • Doanh nghiệp bảo hiểm: Vi phạm Luật cạnh tranh, vẫn lỗ
  • Tăng tỷ giá – chuyện đương nhiên và có đáng để lo lắng?
  • Nâng tỷ giá là bước đi đúng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!