![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phát biểu tại hội thảo về năng lực cạnh tranh tại tỉnh ngày 5-5. Ảnh: Mộng Bình |
Tỉnh Bình Dương không cấp phép cho các dự án sử dụng nhiều lao động, bên cạnh các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn.
Trao đổi với phóng viên sau hội thảo về năng lực cạnh tranh của Bình Dương ngày 5-5, ông Sơn nói rằng mục đích nêu trên nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động tại tỉnh đang là vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông Sơn nói: “Bình Dương không cấp phép các dự án sử dụng nhiều lao động trong các lĩnh vực như dệt may, da giày…". Ông cho biết thêm, các dự án sử dụng nhiều lao động trong các lĩnh vực như may mặc cũng không tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Trong những năm qua, do tốc độ phát triển nhanh của các khu công nghiệp khiến tình trạng thiếu lao động thêm căng thẳng khiến tỉnh phải thu hút lao động từ các tỉnh khác. Các doanh nghiệp phải mất công đào tạo lại sau khi tuyển dụng lao động.
Ông Lê Hồng Phao, Tổng giám đốc Công ty May mặc Bình Dương, đưa ra ví dụ tại buổi hội thảo, trong năm 2008 doanh nghiệp của ông chi 200 triệu đồng để tuyển dụng lao động nhưng đã phải chi ra đến 1,2 tỉ đồng cho việc đào tạo lại.
Do vậy, nhiều công ty sẵn sàng trả lương cao để lôi kéo lao động đã có kinh nghiệm, được đào tạo tại các công ty khác về làm cho họ, và điều này gây xáo trộn hoạt động của các công ty - ông Phao, cũng là Chủ tịch Hội Dệt May Bình Dương, cho biết.
Theo chủ tịch tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn, đào tạo là một trong các tiêu chí có yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của Bình Dương nên tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo. Bình Dương đang đầu tư xây dựng nhiều trường đào tạo, nâng các trường trung cấp thành cao đẳng đào tạo nghề.
Ngoài các dự án sử dụng nhiều lao động, Bình Dương đã không cấp phép những dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, thuộc da…
Ông Sơn nói: “Chúng tôi muốn hướng đến phát triển bền vững và tăng giá trị chất xám”.
Theo ông Sơn, Bình Dương chỉ cấp phép các dự án công nghiệp để lấp đầy các khu công nghiệp nào còn trống ở Thuận An và Dĩ An, vì tỉnh muốn tập trung vào phát triển đô thị và dịch vụ ở 2 huyện này. Các dự án công nghiệp chỉ tập trung cấp phép vào Tân Uyên và Bến Cát, nhưng tỉnh sẽ không cấp phép những dự án gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2008, Bình Dương thu hút trên 2 tỉ đô la Mỹ và mong muốn thu hút hơn 1 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, ông Sơn nói mục tiêu này có thể khó thực hiện được do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong quí 1-2009, Bình Dương đã thu hút 21 dự án FDI với số vốn đăng ký tổng cộng 314 triệu đô la Mỹ, chỉ bằng 50% của số vốn cam kết cùng kỳ năm 2008.
Tại buổi hội thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Bình Dương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, phát huy cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đào tạo và phát triển thương mại điện tử.
(Theo Mộng Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com