Nếu không có chế tài đủ mạnh, thì việc buộc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo phục vụ hoạt động giám sát đầu tư tại các địa phương sẽ rất khó thực hiện.
Đây là điều được lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành đề cập khi góp ý cho dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư tại Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đầu tuần này.
Mấu chốt chính của hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư, là thu thập thông tin thực tiễn của các dự án đầu tư để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vướng mắc, sai phạm... tiềm ẩn trong quá trình thực hiện đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư khi đó sẽ khó có thể thực hiện được. Đặc biệt, với các dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước, mục tiêu bảo đảm thực hiện dự án đúng mục tiêu, đúng tiến độ, bảo đảm về chất lượng và hiệu quả, cơ quan quản lý có được các thông tin đầy đủ, chính xác cũng trở nên không dễ thực hiện.
Hơn thế, bà Vũ Thị Tâm, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng còn khẳng định, chế tài mà dự thảo Nghị định đề xuất như cảnh cáo, chuyển công tác những người có liên quan đối với chủ đầu tư không thực hiện báo cáo giám sát, đầu tư theo quy định khó đủ sức ép để hoạt động này được cải thiện.
"Hiện tại, với chế tài là, nếu dự án nào Sở Kế hoạch và Đầu tư không có báo cáo đánh giá, giám sát đầu tư do chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, thì UBND tỉnh sẽ không quyết định cấp vốn, cho phép điều chỉnh tổng vốn đầu tư. Có như vậy, các chủ đầu tư mới thực sự quan tâm tới hoạt động này", bà Tâm cho biết và đề nghị tiếp tục áp dụng chế tài này đối với các chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo.
Vấn đề ở đây, theo ông Nguyễn Xuân Tự, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban soạn thảo, chế tài theo dự thảo Nghị định là hướng thẳng vào trách nhiệm của chủ thể có liên quan trực tiếp. "Quan điểm của dự thảo là xử lý người làm sai chứ không phải để dự án gánh trách nhiệm như quy định hiện tại tại Thông tư 03/2003/TT-BKH về hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư. Vì với cơ chế dự án gánh trách nhiệm, thì thiệt hại là dự án của nhà nước chứ không phải là người làm sai quy định", ông Tự phân tích.
Tuy vậy, khó khăn là nếu không tạo áp lực liên quan đến dự án thì thực tế không nhiều chủ đầu tư, có nghĩa là những chủ thể có trách nhiệm và quyền lợi gắn với các dự án, chủ động thực hiện nghĩa vụ. Không chỉ ở các địa phương, tình trạng lơ là nghĩa vụ báo cáo cũng diễn ra đối với các dự án thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, ý thức thực hiện nghĩa vụ báo cáo của các chủ đầu tư chỉ mạnh mẽ khi được nhắc nhở liên tục. Tất nhiên là khi không có đủ báo cáo từ các chủ đầu tư, các ban quản lý thì các bộ khó có thể thực hiện tốt nghĩa vụ báo cáo của mình theo quy định. Chất lượng của nhiều báo cáo đánh giá, giám sát đầu tư vì thế sẽ khó được kiểm soát. Đương nhiên, hệ luỵ là, những đánh giá, nhìn nhận không đầy đủ về thực tiễn hoạt động đầu tư, cơ sở để hoàn thiện quy trình, thủ tục và hệ thống quy định pháp lý về đầu tư trở nên bấp bênh.
Ở đây, phải nhắc tới cả lý do về chất lượng và số lượng cán bộ, giám sát đầu tư. Ông Trần Khánh Toàn, chuyên viên Bộ Công thương thẳng thắn nhìn nhận, với khoảng 4.000 dự án một năm, Bộ Công thương không thể đủ nguồn lực để thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư. "Thực tế hoạt động giám sát đầu tư đã giúp Bộ Công thương, các tập đoàn, tổng công ty phát hiện những khó khăn, những quyết định vượt rào, thậm chí là vi phạm quy định về đầu tư của nhiều dự án.
Tuy nhiên, tổ giám sát thường hoạt động kiêm nhiệm. Nếu không có cơ chế và chế tài phù hợp, tôi e ngại đến hiệu quả thực tiễn của công tác này", ông Toàn bình luận.
Đặc biệt, các quy định về chi phí cho hoạt động này cũng đang để trống, gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc thực hiện các quyết toán với cơ quan thuế. "Chúng tôi là người trực tiếp phải làm các báo cáo. Nếu không quy định rõ, chúng tôi không có cơ sở để hạch toán các chi phí cho hoạt động này trong khi việc thu thập thông tin của nhiều tiểu dự án đã tách ra trao về địa phương không đơn giản", bà Dương Trâm Anh, Trưởng đại diện Ban quản lý Mỹ Thuận tại Hà Nội than phiền.
Bài toàn khó đang ở trong tay Ban soạn thảo dự thảo Nghị định giám sát và đánh giá đầu tư. Cũng phải nói rằng, một trong những đột phá chính của Luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản chính là việc trao thêm thẩm quyền cho chủ đầu tư. Yếu tố tiền kiểm đã được giảm thiểu, tạo thuân lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư. Như vậy, hậu kiểm sẽ là chìa khoá để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt trách nhiệm và chức năng của mình trong hoạt động đầu tư.
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com