Những nhà thừa hành cấp địa phương và cả Trung ương đang “đạp thắng” lên những nỗ lực của Chính phủ: trong khi Chính phủ đang cố gắng mở rộng tài khóa nhằm kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn thì họ lại chậm trễ trong việc triển khai, và lãng phí khi sử dụng vốn công
Những quan chức tỉnh Tây Ninh thật khó biện minh cho kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng của mình. Họ đã quyết định đầu tư từ ngân sách số tiền lên tới 1.639 tỉ đồng cho các dự án phát triển, nhưng chỉ thu xếp được vỏn vẹn 283 tỉ đồng từ nguồn lực của địa phương. Số phận của những dự án vượt quá khả năng tài chính đó, nói một cách hoa mỹ, là dang dở. Về thực chất đó là sự lãng phí trong đầu tư công.
Nhưng không chỉ có Tây Ninh. Hàng loạt các địa phương trên khắp cả nước đều có tình trạng như vậy với các dự án đầu tư từ ngân sách: họ phải kéo dài thời gian thực hiện. Những dự án dang dở như vậy chất đống lên đến hàng ngàn, ví dụ Nam Định 187, Bắc Kạn 170, Kiên Giang 355, An Giang 27, Quảng Ngãi 67,…
Ở cấp Trung ương, tình hình có vẻ không được cải thiện hơn. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 82 dự án, bộ Nội vụ có bốn dự án, liên đoàn Lao động Việt Nam có 17 dự án phải kéo dài. Đó là những thống kê sơ bộ trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước.
Trong phiên họp của uỷ ban Thường vụ quốc hội cuối tuần trước, cơ quan này thừa nhận, họ chỉ có thể thanh tra việc sử dụng ngân sách nhà nước ở 50% địa phương và 30% cơ quan Trung ương do năng lực hạn chế. Có nghĩa là, nếu công tác kiểm toán tốt hơn thì các trường hợp lãng phí bằng nguồn vốn nhà nước kiểu như trên sẽ còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, tổng kết lại, cơ quan này cho rằng, hiện tượng đầu tư phân tán, dàn trải, thất thoát, nợ đọng, kém hiệu quả diễn ra ở hầu hết các cấp, các bộ ngành và địa phương.
Năng lực hạn chế, tình trạng vô trách nhiệm của các nhà thừa hành, cộng với những trói buộc cả hệ thống luật pháp liên quan đang làm lãng phí nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Tình trạng này có thể chứng minh bằng số liệu. Số chi chuyển nguồn đang có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Số chi chuyển nguồn so với tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ 16% năm 2005 lên 20% năm 2006 và hơn 23% (gần 89 ngàn tỉ đồng) năm 2007, theo báo cáo của Chính phủ. Trong khi đó, chuyển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ của năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200 tỉ đồng, theo bộ Kế hoạch và đầu tư.
Thực tế này, theo các nhà kinh tế, là rất quan ngại trong năm khó khăn 2009, năm mà Chính phủ buộc phải mở rộng tài khoá tối đa trong bối cảnh thất thu nhằm chống đỡ với suy giảm kinh tế. Những nỗ lực đó đang bị chặn lại bởi các nhà thừa hành cấp dưới trong hệ thống Nhà nước. Ví dụ, hai ngành giáo dục và y tế chưa tiêu nổi một đồng trái phiếu nào trong năm tháng đầu năm nay, theo bộ Kế hoạch và đầu tư.
Việc thực hiện nguồn vốn trái phiếu chính phủ đang là đáng đề cập nhất. Trong sáu tháng đầu năm nay, nguồn vốn này chỉ giải ngân được hơn 27% kế hoạch (9.826,5 tỉ đồng), trong đó các dự án do Trung ương quản lý giải ngân đạt 39,4% kế hoạch (6.640 tỉ đồng), địa phương đạt vỏn vẹn 16,6% kế hoạch (3.186,5 tỉ đồng), theo báo cáo của chính phủ tại phiên họp thứ 21 uỷ ban Thường vụ quốc hội cuối tuần trước.
Viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nói, không giải ngân được nguồn vốn trái phiếu chính phủ là “phí tổn rất lớn”. “Khi Chính phủ dùng đúng lúc thì đồng tiền tạo ra lợi tức trung bình là 10%, nhưng khi không dùng, nên tất nhiên mất đi 10%”, ông nói.
Tại phiên họp, bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định lãi suất đã được tăng lên nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư. Động thái này, dù mâu thuẫn với các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích kinh tế, chứng tỏ rằng, Chính phủ rất quyết tâm thực hiện kế hoạch phát hành bổ sung 20.000 tỉ đồng trái phiếu. Vấn đề còn lại, rõ ràng, đang nằm ở phía các nhà thừa hành cấp dưới.
Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu Quốc hội sửa đổi một số luật như đấu thầu, xây dựng cơ bản, đầu tư,… nhằm khơi thông những khó khăn trong việc thực hiện các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn nhà nước. Nguồn vốn này (bao gồm ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) chiếm tỷ trọng áp đảo, lên tới 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, và đang được mở rộng để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Việc làm này là cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện tại, dù nó đe doạ làm xơ cứng cơ chế thị trường, và ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực tư nhân.
Trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 công bố cuối năm ngoái, ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khuyến nghị rằng, Việt Nam phải xem lại những “cách” huy động và sử dụng vốn trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và các nguồn tài chính co lại. Hơn nửa năm trôi qua, những “cách” đó chưa được cải thiện, đặc biệt với nguồn vốn nhà nước. Rõ rằng, những nỗ lực của Chính phủ đang bị thách thức bởi những cơ quan thực thi bên dưới.
( Theo Tư Giang // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com