Sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm Việt Nam đã phải bước vào một cuộc vật lộn thực sự quyết liệt. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt cũng chính là cơ hội để sàng lọc và chỉ những DN thực sự “khoẻ” mới đủ sức để trụ vững và phát triển.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận xét, các DN bảo hiểm Việt Nam đã làm quen với “luồng gió”ù bên ngoài thổi vào khi Việt Nam từng bước mở cửa thị trường bảo hiểm. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, mặc dù phải cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài, nhưng các DN bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam chủ yếu vẫn nắm phần lớn thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.
Hiện tại, trên thị trường mới bắt đầu xuất hiện DN bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài ở nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm cháy nổ... Đối với dịch vụ bảo hiểm hàng hoá vận chuyển, tỷ trọng hàng hoá xuất nhập khẩu mua bảo hiểm còn quá khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do các yếu tố trên, bà Trịnh Thị Thu Hương, giảng viên Bộ môn Bảo hiểm Đại học Ngoại thương cho biết, các cam kết về dịch vụ bảo hiểm của Việt Nam cũng chưa có tác động đáng kể đối với dịch vụ bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu.
Theo giới chuyên môn, ngay từ khi thành lập, do tính đặc thù của dịch vụ bảo hiểm, các DN bảo hiểm Việt Nam đã buộc phải tiếp cận và hội nhập với thị trường bảo hiểm quốc tế thông qua nghiệp vụ tái bảo hiểm. Đối với những sản phẩm bắt buộc phải tái bảo hiểm ra nước ngoài thì hầu như có sự thống nhất giữa các DN bảo hiểm (quy tắc điều khoản) và biểu phí bảo hiểm của DN bảo hiểm Việt Nam với DN nhận tái bảo hiểm quốc tế. Kể từ năm 1993 đến nay, các DN bảo hiểm Việt Nam đã học tập được nhiều kinh nghiệm và tự nâng cao năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với các DN bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 31 DN, trong đó có 17 DN nước ngoài, kinh doanh 800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ thuộc cả 3 lĩnh vực là bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phi nhân thọ, nhiều DN bảo hiểm Việt Nam như Bảo Việt, Bảo Minh, Pjico, PV Insurance... vẫn phát triển mạnh và luôn dẫn đầu thị trường. Điều này chứng tỏ các DN Việt Nam đã thích nghi với mở cửa hội nhập, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.
Tuy nhiên, các DN bảo hiểm trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngay tại sân nhà. Thứ nhất, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, chính phủ nhiều nước cùng với DN bảo hiểm của họ cũng gây sức ép với Việt Nam để được hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhất là những DN bảo hiểm nước ngoài đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Thách thức thứ hai là các DN bảo hiểm Việt Nam không còn nhận được sự bảo hộ của Nhà nước và trong kinh doanh bảo hiểm, cũng sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa DN bảo hiểm trong nước và DN bảo hiểm nước ngoài. Một số DN bảo hiểm Nhà nước sẽ được tiến hành cổ phần hóa, trong đó sức ép chia lãi cho cổ đông không phải là nhỏ nếu kinh doanh bảo hiểm và đầu tư không có hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề “chảy máu chất xám” từ DN bảo hiểm Việt Nam sang DN bảo hiểm nước ngoài có thu nhập cao hơn cũng là điều đáng quan tâm.
Với khả năng tài chính mạnh, các DN bảo hiểm nước ngoài sẽ tìm mọi cách trong đó có tuyên truyền, quảng cáo, khuyến mãi, khuếch trương sản phẩm, hạ phí bảo hiểm để gây uy tín và chiếm lĩnh thị trường.
(Theo Bao dau tu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com