Theo các ngân hàng, lãi suất cơ bản có thể giảm thêm trong vài ngày tới. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ xuống sâu hơn nữa
Ngân hàng (NH) liên tục giảm lãi suất, mở rộng lĩnh vực cho vay, thế nhưng lãi suất vẫn khó với tới, khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn khi vay vốn.
Chứng minh thu nhập: Quá khó!
Ngày 19-11, anh Châu Thy (phường 10, quận Gò Vấp-TPHCM) đến NH Ngoài quốc doanh (VP Bank) tìm hiểu vay vốn xây dựng nhà. Nhân viên tín dụng VP Bank cho biết lãi suất cho vay 18%/năm; thời hạn vay từ 1-5 năm; định kỳ 6 tháng lãi suất sẽ được điều chỉnh nếu NH thay đổi lãi suất cho vay; lãi và gốc trả góp hằng tháng. Ngoài tài sản thế chấp là chủ quyền nhà, người vay phải cung cấp hợp đồng xây dựng giữa chủ nhà với đơn vị thi công. NH sẽ căn cứ vào tiến độ thi công để giải ngân. “Nếu vay 100 triệu đồng, thời hạn 1 năm, người vay phải chứng minh mỗi tháng tích lũy ít nhất 10 triệu đồng mới đáp ứng tiêu chí trả nợ của NH”- anh Thy ngao ngán. Tương tự, một cán bộ NH Liên Việt cho biết NH rất hạn chế cho vay mua căn hộ tại các dự án, chỉ mạnh dạn cho khách hàng thế chấp chủ quyền nhà, vay vốn mua nhà mới. Với số tiền vay 300 triệu đồng, thời hạn 3 năm, người vay phải có thu nhập trên 20 triệu đồng mới bảo đảm khả năng trả nợ; đồng thời phải thể hiện mục đích vay vốn qua việc hợp đồng mua nhà sẽ được công chứng chứng nhận.
Một số NH khác không còn đóng cửa cho vay mua nhà nhưng đều áp dụng mức lãi suất cho vay 18%/năm, điều kiện vay cũng siết chặt. Nhiều người có nhu cầu vay vốn mua nhà cho rằng khó khăn lớn nhất là chứng minh thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, xem ra điều kiện này “ngoài vùng phủ sóng” của họ.
Phân biệt thân, sơ
Ông Khưu Lạc, Giám đốc kinh doanh Công ty Lạc Hưng, cho biết: Do quan hệ tín dụng lâu năm với NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nên hằng năm công ty được Sacombank cấp hạn mức vay vốn 1 tỉ đồng. Hiện tại, hạn mức này còn 400 triệu đồng, công ty đang chờ NH giảm thêm lãi suất mới dám vay. Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên với hơn 10 năm xuất khẩu cà phê, nhu cầu vay hàng ngàn tỉ đồng/năm, quan hệ tín dụng uy tín với NH nên công ty không mấy khó khăn vay vốn NH với lãi suất thấp nhất. Trái ngược với hai trường hợp trên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Thuận Phát Nguyễn Anh Tuấn than: “Nhiều lúc giá nguyên liệu nông sản giảm mạnh, công ty cần vốn để mua nguyên liệu dự trữ nhưng không tiếp cận được NH vì thiếu tài sản thế chấp”. Cần có một quỹ bảo lãnh tín dụng làm trung gian bảo đảm khả năng trả nợ cho doanh nghiệp là mong đợi của ông và nhiều doanh nghiệp khác.
Trên thực tế, hàng loạt NH bơm hàng chục ngàn tỉ đồng để cho vay, lãi suất ưu đãi từ 13,5%- 15%/năm song đích ngắm của các NH chỉ là khách hàng thân quen hoặc đối tượng sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, sử dụng trọn gói các dịch vụ tài chính của NH cung cấp vốn.
Cảnh giác cao Tổng Giám đốc NH NN-PTNT (Agribank) Nguyễn Thế Bình khẳng định: Agribank không nới lỏng điều kiện vay, bởi rủi ro của người vay là rủi ro của NH. Ông Phạm Tuấn Tú, cố vấn HĐQT NH Dầu khí Toàn cầu, cho biết tuy lãi suất có giảm nhưng vẫn còn cao. NH định giá tài sản thế chấp rất thấp nên doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận vốn. Hiện nay, đối tượng dễ dàng vay được vốn chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, có quan hệ tín dụng lâu dài với NH. “Trong bối cảnh thị trường hàng hóa biến động khó lường, nhiều NH đưa ra hàng chục tiêu chí cho vay là bình thường. Việc vay vốn NH dễ hay khó cần phải nhìn từ hai phía. Nếu doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề ẩn chứa nhiều rủi ro, doanh thu sụt giảm hoặc có những khoản nợ chưa giải quyết xong..., NH không dám cho vay và ngược lại” - Phó Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn NH Kỹ thương VN Nguyễn Việt Anh nhận xét. |
(Theo nguoilaodong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com