Với 35.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó trích lập dự phòng là 22.000 tỷ đồng (tính đến tháng 10/2008), các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát.
Riêng với các khoản vốn mà một số ngân hàng đã mạnh tay “bơm” vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) năm trước, nhiều người cho rằng, nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng khi thị trường nhà, đất tiếp tục đóng băng.
Thế nhưng, Thống đốc NHHN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, với dư nợ cho vay vào lĩnh vực BĐS của cả hệ thống tính đến tháng 10/2008 khoảng 115.000 tỷ đồng (riêng khu vực TP.HCM chiếm 61.000 tỷ đồng), thì vẫn chưa đáng lo ngại. Lý do là, trong tổng nguồn vốn ngân hàng cho vay vào lĩnh vực BĐS, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp – khu chế xuất và cho vay sửa chữa, xây nhà chiếm phần lớn.
Các ngân hàng cũng cho rằng, tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS đang trong xu hướng giảm dần. Trong 10 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã ra sức giảm tỷ lệ dư nợ cho vay vào lĩnh vực BĐS. Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 10/2008, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn cho vay vào BĐS chiếm 15,4% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 26,5% ở thời điểm đầu năm. Ông Hạnh cho biết, các khoản vốn cho vay vào BĐS của ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát, vì tính đến hết tháng 10/2008, tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn là 2,14%, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế là 5%.
Tỷ lệ dư nợ cho vay vào BĐS của ACB, Sacombank, Eximbank… hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. Do đó, các ngân hàng đang tái nối hoạt động cho vay mua nhà trả góp, trên cơ sở kiểm soát chặt điều kiện cho vay. Theo các ngân hàng, tình trạng giải chấp hiện vẫn chưa xảy ra và nếu có xảy ra thì cũng không đáng kể, bởi khách hàng sẽ xoay sở tìm vốn trả nợ ngân hàng để lấy tài sản về, trước khi bị giải chấp.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, đợt “sốt” giá trong năm 2007 của thị trường BĐS đã khiến chủ trương xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và văn phòng cho thuê bị đẩy ra rìa. Thay vào đó là sự mua đi bán lại dự án của các nhà đầu cơ, đẩy giá BĐS lên cao, khiến bong bóng thị trường tan vỡ.
Thị trường BĐS năm 2008 thực sự đi vào giai đoạn suy thoái kéo dài. Tình hình giao dịch nhà, đất suy giảm 80-90% so với cuối năm 2007. Giá nhiều sản phẩm BĐS đã giảm 20-70% so với cuối năm trước. Khả năng đóng tiền theo tiến độ mua căn hộ của khách hàng sẽ gặp khó khăn, khiến nhiều chủ đầu tư lao đao và khoản nợ vay ngân hàng có nguy cơ trở thành nợ xấu, do nhiều hợp đồng sắp đáo hạn.
Ông Hiển đưa ra nhận định, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2009, vì nguồn vốn không phục vụ nhà đầu cơ lướt sóng. Các nhà đầu tư đang bị khó khăn về nợ vay và vốn đầu tư. Nguồn cung tăng, nhưng nguồn cầu có khả năng thanh toán bị hạn chế. Một phần, do ngân hàng phải bán BĐS để đảm bảo an toàn tín dụng.
Do đó, theo ông Hiển, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ nợ xấu trong các khoản vốn ngân hàng cho vay vào BĐS năm trước sẽ gia tăng. Giải pháp trước mắt được đưa ra là tăng nguồn cấp vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng vào BĐS có kiểm soát chặt theo diễn biến lãi suất thị trường. Nhưng về lâu dài, cần thành lập một quỹ đầu tư BĐS để có nguồn vốn lớn và dài hạn phát triển các dự án hiệu quả.
( theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com