Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dư nợ cho vay bất động sản đạt hơn 210.000 tỷ đồng

picture
Tính đến cuối tháng 7/2010, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2009, song dư nợ cho vay xây khu đô thị lại tăng trưởng âm.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo cập nhật tình hình thị trường bất động sản và những yếu tố tác động đến thị trường, tính đến tháng 8/2010.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết tính đến quý 3/2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng cho thị trường bất động sản, giao dịch trên thị trường này bắt đầu có dấu hiệu đình trệ.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản trong thời gian qua tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính cuối tháng 8/2010, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2,358 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 7/2010, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2009, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Tuy nhiên, dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 lại có tăng trưởng âm 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009.

Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm ngoái. Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất xấp xỉ 13% mỗi năm hoặc cao hơn.

“Điều này cũng cho thấy, nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát luôn đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng cho phép thì khó có thể tạo dựng được một thị trường bất động sản phát triển bền vững”, Bộ Xây dựng khẳng định.

Cũng theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Chẳng hạn, trong quý 1 và đầu quý 2/2009 cùng với việc giải ngân gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, đã có một đợt tăng giá ngắn tại Hà Nội và Tp. HCM.

Tiếp đó, đến quý 3/2009, việc chờ đợi có tiếp tục gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ 4% lãi suất hay không, đã khiến thị trường bất động sản gần như không có biến động về giao dịch và giá cả. Quý 4/2009, một số phân khúc thị trường bất động sản tại Hà Nội lại có biến động nhưng không lớn, do không có tín hiệu hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng và sau đó đã rơi vào đình trệ do chính sách thắt chặt tiền tệ.

Bộ Xây dựng đánh giá, tuy thị trường đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Giá cả hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở vẫn tăng cao, diễn biến phức tạp khó kiểm soát.

Trên thị trường Hà Nội tại thời điểm quý 2/2010, giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây thành phố (huyện Hoài Đức, quận Hà Đông).

Ngoài ra, hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo "tin đồn", "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ biến. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, đã dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư với khách hàng…
 
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản hiện đã có sự thay đổi. Các nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở có mức giá trung bình, diện tích nhỏ (mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn) để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, tăng tính thanh khoản của nguồn vốn đầu tư.
 
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 2.500 dự án khu đô thị mới. Trong đó, Hà Nội là hơn 800 dự án, Tp.HCM với 1.400 dự án, Hải Phòng có 260 dự án, Đà Nẵng là 120 dự án...
 
Tại Hà Nội rất ít dự án khu đô thị mới có quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2010 do phải rà soát lại khi triển khai lập đồ án quy hoạch Hà Nội. Đặc biệt, giá nhà ở nhìn chung vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát cũng như có sự biến động không đồng đều giữa các địa phương.
 
“Nếu thị trường bất động sản ở Hà Nội và Tp.HCM có biến động mạnh thì thị trường bất động sản tại các thành phố khác không có biến động đáng kể. Ngay cả sự biến động của thị trường bất động sản của Hà Nội và Tp.HCM cũng khác nhau”, Bộ Xây dựng kết luận.

(Theo Vneconomy)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!