Thông tin đáng chú ý trong tuần chính là sự điều chỉnh khá mạnh của số liệu xuất nhập khẩu tháng 8 so với số liệu ước tính trước đó. Việc tăng lên đột biến của xuất khẩu vàng được tính vào kim ngạch xuất khẩu đã đưa thâm hụt thương mại xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Ngoài ra, một vài đánh giá của các chuyên gia xung quanh Thông tư 13 được giới đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, việc lãi suất liên ngân hàng tăng lại gây ra không ít lo ngại cho nhiều người.
Số liệu chính thức về xuất nhập khẩu tháng 8 vừa được công bố có sự chênh lệch khá lớn so với số liệu ước tính trước đây của Tổng cục Thống kê. Cụ thể, xuất khẩu tháng 8 đạt 6.85 tỷ USD cao hơn nhiều so với mức 6 tỷ USD của con số ước tính. Nhập khẩu đạt 7.25 tỷ USD, chênh lệch nhiều so với mức 6.9 tỷ USD con số ước tính trước đó.
Nguyên nhân tăng mạnh của kim ngạch xuất khẩu là do xuất khẩu vàng đột ngột tăng cao. Xuất khẩu vàng tháng 8 đạt 774 triệu USD, trong khi đó ước tính trước đây chỉ có 100 triệu USD.
Như vậy, với số liệu chính thức trên, nhập siêu trong tháng 8 chỉ còn 393 triệu USD thay vì mức 900 triệu như trước đây. Đây là tháng có mức nhập siêu thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Tổng mức nhập siêu 8 tháng là 7.53 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu tháng 8 tăng mạnh chủ yếu là do xuất khẩu vàng, nhưng đây vẫn là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế và tỷ giá. Nhập siêu giảm làm giảm áp lực lên cán cân thanh toán và điều này cũng giúp tỷ giá sẽ không còn có quá nhiều biến động trong thời gian tới.
Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là Thông tư 13 sẽ chính thức bắt đầu có hiệu lực sau 130 ngày ban hành. Tuy vậy, xung quanh thông tư này vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn ”chưa sẵn sàng” đáp ứng được đầy đủ các điều kiện được quy định trong thông tư này.
Về phía người ủng hộ TS. Cao Sỹ Kiêm -Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khẳng định: “Việc ban hành Thông tư số 13 của NHNN Việt Nam là một chủ trương đúng, dứt khoát không được lùi. Đề ra và triển khai những quy định mới và chặt chẽ nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng phát triển ổn định và bền vững bao giờ cũng gian truân nên phải kiên quyết thực hiện”. Ngoài ra, ông cũng nhận định ”Thị trường chứng khoán đi xuống cũng đổ cho Thông tư 13 là không đúng. Thực chất thị trường chứng khoán Việt Nam mỏng manh, yếu kém và nhiều yếu tố rủi ro”
Tuy nhiên cũng có ý kiến lại cho rằng Thông tư 13 quy định chuẩn CAR quá cao theo cách tính Basel II hiện đang áp dụng. Cụ thể theo ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia. “Ở VN, tất cả các ngân hàng hiện đang có hệ số CAR (hệ số an toàn vốn tối thiểu) từ 8% trở lên. Tuy nhiên 8% của VN chỉ hoàn toàn là vốn cấp I, tức là vốn chất lượng cao, của chủ sở hữu là chính. Nếu nói rằng hệ số CAR là mức cam kết của các ông chủ nhà băng với trách nhiệm của họ tại nhà băng đó thì cam kết của các ông chủ Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với cam kết của các ông chủ nhà băng phương Tây”.
Ông cũng nhấn mạnh thêm là Basel III được bắt đầu áp từ năm 2015 và đến 2019 mới áp dụng đầy đủ, nhưng tiêu chuẩn tính CAR vẫn còn thấp hơn của Việt Nam theo cách định nghĩa tài sản có và cách điều chỉnh hệ số rủi ro theo quy định tại Thông tư 13.
Về hệ số rủi ro Ông cũng cho biết thêm theo Basel III, khoản vay nào có rủi ro cao nhất thì hệ số rủi ro cũng chỉ là 150%. Quy định tại Thông tư 13 nhiều khoản đều phải chịu hệ số rủi ro tới 250% như cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản...
Nhiều khả năng những chỉnh sửa về Thông tư 13 sẽ được NHNN công bố vào đầu tuần tới. Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 13 sẽ có sửa đổi nhưng không đáng kể, tuy vậy chúng tôi vẫn kỳ vọng một số định nghĩa căn bản trong thông tư này sẽ được xem xét lại. Thêm vào đó khoản tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức có thể tính vào tài sản được cấp tín dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt phần nào áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com