*Dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản
8 tháng năm 2010, mặt hàng dệt may vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao so với cùng kỳ năm 2009 đạt6,9 tỷ USD tăng 17,8%.
Nhật Bản đã nhập khẩu sản phẩm dệt may từ thị trường Nhật Bản trong tháng 7 trên 99 triệu USD, tăng 24,69% so với tháng 6, nâng tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm 2010 lên 580,4 triệu USD, chiếm 13,98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nhà nhập khẩu Nhật Bản đang nhập hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang nhập từ Việt Nam để tận dụng lợi thế thuế nhập khẩu thấp hơn theo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản. Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu các xu hướng tiêu dùng về dệt may của người Nhật cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động hội chợ để mở rộng hơn thị trường này.
*Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng
Trung Quốc là thị trường nhiều tiềm năng đối với việc xuất khẩu rau, quả tươi và chế biến của Việt Nam như thanh long, chuối, dứa, xoài, mít sấy khô, dừa, nhãn, vải, dưa hấu khoai tây, măng ta, cà chua, nấm , hạt tiêu, gừng, ớt, nghệ… vì chi phí vận tải thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc liên tục tăng lên do xu hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm trái cây tươi đặc trưng của các thị trường thế giới.
Hiện nay nhiều mặt hàng quả chế biến sấy khô đang được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc như mít sấy khô, khoai các loại sấy khô. Doanh nghiệp cần chú ý đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng này trong tháng tới do nhu cầu từ Trung Quốc rất cao.
Trong nửa đầu tháng 8/2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 3 triệu USD, ước tính trong tháng 8 có thể đạt 6 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2009.
*Đồng bằng Sông Cửu Long xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo
Trong 2 tuần đầu của tháng 9/2010, các địa phương thuộc vùng ĐBSCL đã xuất khẩu 166.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 4,468 triệu tấn, góp phần đưa tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước lên 4,96 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,1 tỉ USD, tăng 90 triệu USD so với cùng kỳ năm 2009.
Từ nay đến tháng 12/2010, các địa phương ĐSCL sẽ thu hoạch 300.000 ha lúa hè thu còn lại, lúa thu đông và lúa mùa với sản lượng khoảng 5 triệu tấn, tương đương 2,5 triệu tấn gạo. Trừ đi phần tiêu dùng nội địa, ĐBSCL sẽ còn trên 1 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu, nâng lượng gạo xuất khẩu cả năm của ĐBSCL lên 5,5 triệu tấn.
*Ngành mía đường tập trung vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất.
Tại Đại hội Hiệp hội Mía đường Việt Nam lần thứ 4 nhiệm kỳ 2010-2013, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu của toàn ngành là công tác nguyên liệu mía, mở rộng diện tích trồng, tăng cường sử dụng giống mới và đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật thâm cạnh. Phấn đấu theo định hướng của Bộ NN&PTNT đến năm 2015 phát triển ổn định diện tích mía khoảng 300.000 ha với năng suất 65 tấn, chú trọng tới việc áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu vào sản xuất cho các nhà máy.
*Từ 15/9-1/10,10 đoàn kiểm tra liên ngành sẽ liên tục thanh tra, kiểm tra công tác VSATTP trên địa bàn Tp.Hà Nội và một số tỉnh, TP lân cận. Các khách sạn, nhà hàng trọng điểm tại Hà Nội; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh thủy sản và các cơ sơ kinh doanh đầu mối về rau, củ quả… sẽ được tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
*Ngày 15/9/2010,Bộ Tài chính và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ký thỏa thuận tài trợ dự án thí điểm về cơ chế hải quan một cửa. Khoản tài trợ trị giá 718.600 USD của Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) sẽ tinh giản việc vận chuyển hàng hóa và tăng cường tính hiệu quả của hoạt động thương mại thông qua việc hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam.
*Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy,kinh tế Việt Nam đang có những diễn biến khả quan với việc lạm phát và cán cân thương mại ổn định trong những tháng gần đây.
Theo Standard Chartered, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian trung hạn và đồng VND có thể sẽ tiếp tục giảm giá thêm trong năm 2011. Tăng trưởng GDP thực tế năm 2010 của Việt Nam sẽ ở mức 6,7%, lạm phát so với cùng kỳ năm trước ở mức 8,5%. Mức tỷ giá VND – USD duy trì đến hết năm 2010 ở mức 19.900 đồng/USD và sẽ lên mức trên 20.000 đồng/USD trong năm 2011.
Về những dự báo liên quan việc điều chỉnh tỷ giá, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, đã có nhiều ý kiến về mức điều chỉnh tỷ giá ở Việt Nam. Cách đây vài năm có ý kiến phải neo giá 1 USD ở mức 25 nghìn đồng.
*225 đơn vị tham gia triển lãm VietnamPlas 2010
Triển lãm Công nghiệp Quốc tế lần thứ 10 về ngành nhựa, bao bì, in ấn và công nghệ thực phẩm (VietnamPlas 2010) sẽ chính thức diễn ra từ ngày 22 đến 25/9/2010, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM.
VietnamPlas 2010 được coi là quy mô nhất từ trước tới nay khi quy tụ được 225 đơn vị tham gia đến từ 15 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự. Đây được coi là diễn đàn hàng đầu nhằm giới thiệu sản phẩm, nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, những thông tin mới nhất cũng như tạo ra cầu nối cho các mối quan hệ hợp tác kinh doanh.
Ban Tổ chức dự kiến hội chợ sẽ đón được hơn 3 vạn khách tham dự hội thảo và tham quan triển lãm.
*Phiên giao dịch ngày 16/09: Chứng khoán hai sàn tăng nhẹ
Thanh khoản duy trì ở mức thấp nhưng lực bán mua trên thị trường vẫn giằng co quyết liệt khiến chỉ số VN-Index khá chất vật để tăng 0.8 điểm, tương đương 0.18% lên 449.52 điểm vào cuối phiên giao dịch 16/09.
Thị trường ghi nhận 112 mã tăng, 86 mã giảm và 58 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt hơn 38 triệu đơn vị, xấp xỉ 990 tỷ đồng nhưng giao dịch khớp lệnh chưa đến 30 triệu đơn vị.
Nhìn chung, sự tăng điểm của thị trường trong phiên này không đáng kể nó chưa cho thấy xu hướng của thị trường. Tổng hợp những phiên giao dịch gần đây, thị trường vẫn nằm trong hướng đi ngang với sự tăng giảm quá mạnh của VN-Index.
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, về trung và dài hạn thị trường vẫn thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ trong đó ngoài việc Thông tư 13 không thay đổi gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư, chỉ số CPI tháng 9 được dự báo khá cao làm cho dòng tiền đầu cơ thực sự do dự. Phần lớn nhà đầu tư vẫn đứng bên ngoài chờ đợi xu hướng mới của thị trường.
Tại sàn Hà Nội, diễn biến giao dịch có phần khả quan hơn khi phần lớn thời gian của phiên, chỉ số HNX-Index đều di chuyển trên mức tham chiếu. Cuối phiên, chỉ số này tăng khá với 1.19 điểm, tương đương 0.94% lên 128.4 điểm.
Số mã tăng chiếm ưu thế với 187 mã, số mã giảm là 89 và còn lại 60 mã đứng giá hoặc không có giao dịch.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com