Một Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nghỉ hưu, chuyển sang làm tổng giám đốc một DN nhà nước, riêng tiền lương đã lên tới 942 triệu đồng/năm. Còn Cty Cổ phần do Nhà nước nắm 70% làm ăn thua lỗ, tổng giám đốc vẫn hưởng lương trên 2 tỷ đồng một năm...
Câu chuyện lương bổng gây xôn xao dư luận trên diễn ra tại Tổng Cty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Tổng Giám đốc Nhà nước lương 1 tỷ/năm
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố lương tháng trung bình của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lên tới trên 78 triệu đồng (4.500 đôla Mỹ)/năm.
Tổng Giám đốc SCIC Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nghỉ hưu được nhận lương xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm (942 triệu đồng), cao hơn 10 lần lương của tổng giám đốc, chủ tịch các tập đoàn kinh tế khác.
Năm 2008, với lý do “Tổng công ty tuyển dụng cán bộ có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ tốt, có kinh nghiệm trong công tác từ 5 - 10 năm, phẩm chất và năng lực phải đảm nhận các công việc khó, phức tạp, đòi hỏi trình độ của chuyên viên bậc cao”, doanh nghiệp này xin và được chấp nhận mức hệ số lương bình quân tăng đột biến lên tới 4,25.
Không chỉ xây dựng hệ số lương kế hoạch quá cao, số lao động thực tế của SCIC cũng thấp hơn nhiều so với kế hoạch, chỉ 130 người, bằng 72% dự định.
Hệ số lương cấp bậc bình quân cao, số người lao động làm việc thực tế thấp nên SCIC được duyệt đơn giá tiền lương rất cao. Kết quả, quỹ tiền lương của HĐQT và Tổng giám đốc SCIC được Bộ LĐ-TB&XH duyệt là hơn 1,473 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2008 SCIC đã trả lương đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và tổng giám đốc trên 2,642 tỷ đồng.
Không tính các khoản thưởng và thu nhập khác, số tiền này đã vượt quỹ lương so với kế hoạch gần 1,169 tỷ đồng. Cụ thể, lương thành viên HĐQT và tổng giám đốc đã gấp 1,96 lần so với kế hoạch. Thu nhập bình quân của các trưởng ban cũng đến 29 triệu đồng/tháng (tương đương 348 triệu đồng/năm).
Ngoài ra, có những cán bộ tại SCIC còn được hưởng hai lương. Năm 2008, SCIC cử 18 người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp mà SCIC giữ phần vốn trong đó. Những nhân viên này đã được nhận lương của SCIC để làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, 11 trong số 18 cán bộ này lại được nhận thêm thù lao từ các doanh nghiệp mà mình làm đại diện của SCIC, với tổng số tiền 949 triệu đồng.
Với những ưu ái của Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo và nhân viên SCIC đã được trả lương cao quá mức họ đáng được hưởng.
Xem lại hiệu quả của SCIC
SCIC được thành lập nhằm quản lý thống nhất và hiệu quả tài sản của Nhà nước sau khi cổ phần hóa. Nhưng về hiệu quả, theo TS Lê Đăng Doanh lương lãnh đạo cao mà hiệu quả hoạt động vẫn còn khiêm tốn, vẫn còn việc để thất thoát vốn nhà nước.
Điển hình là việc SCIC quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào Jestar Pacific Airlines (JPA). Với 490 tỷ đồng góp vốn, SCIC nắm 76% cổ phần. Theo kết quả kiểm toán, năm 2008, SCIC đã để JPA lỗ kỷ lục lên đến 546 tỷ đồng. Tính chung lỗ lũy kế sau 17 năm hoạt động của JP tính đến 31/12/2008 là 1.137 tỷ đồng làm âm 121 tỷ đông vốn chủ sở hữu.
Thua lỗ lớn và triền miên như vậy nhưng lương của ban lãnh đạo JPA năm 2008 lại cao vọt lên. Lương của hai phó tổng giám đốc người Việt cũng đều gần tỷ đồng/năm. Còn hai phó tổng giám đốc người nước ngoài thì lương và thu nhập ở mức không tưởng, 3- 5 tỷ đồng/năm.
Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu SCIC kiểm tra làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể của Ban lãnh đạo tại Jestar Pacific Airlines trong điều hành gây thiệt hại hơn 31 triệu USD (tương đương 525 tỷ đồng). SCIC cũng phải xem xét lại việc chi trả quỹ tiền lương cho thành viên HĐQT, Ban điều hành tại Jestar Pacific Airlines từ năm 2007 đến nay.
Rất có thể lãnh đạo SCIC cũng như lãnh đạo HĐQT JPA đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tự thưởng cho mình mức lương cao ngất dù doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Theo TS Lê Đăng Doanh, dường như họ có suy nghĩ mình là các “anh cả đỏ” nên phải có quy chế đặc biệt.
Nếu mọi doanh nghiệp nhà nước đều có suy nghĩ như vậy thì rất nguy hiểm, không mấy chốc, Nhà nước sẽ trắng tay. Nhất là khi SCIC đang có cổ phần ở hơn 800 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp mà vốn Nhà nước chiếm đa số.
Ai giám sát lương lãnh đạo tập đoàn kinh tế?
SCIC là cơ quan nắm giữ tài sản, tiền vốn của nhà nước nhưng lại có vi phạm trong việc trả lương cho mình. Theo ông Doanh, điều này cho thấy sự tùy tiện sử dụng vốn của SCIC.
Trách nhiệm trước tiên thuộc Bộ Tài chính. Lãnh đạo SCIC phải giải trình rõ đạo đức và trách nhiệm công dân của mình ở đâu khi lạm chi lương giữa lúc kinh tế khủng hoảng.
“Năm 2008 và 2009 là năm đất nước rất khó khăn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, kêu gọi giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng lãnh đạo SCIC lại vi phạm mức quy định về mức lương cao đến như vậy thì không biết việc SCIC thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thế nào? Đây là vấn đề cần được giải trình cho công luận biết”, ông Doanh nói.
Do vậy, câu chuyện không phải là rút kinh nghiệm mà cần phải xem xét lại toàn bộ quy chế quản trị đối với các tổng Cty, tập đoàn nhà nước, đồng thời bổ sung quy định công khai minh bạch cả việc lãnh đạo doanh nghiệp làm gì, kết quả đạt được, tiền lương thế nào...
Đặc biệt, cần xem xét đến cơ chế kiêm nhiệm. SCIC thuộc Bộ Tài Chính quản lý nhưng hai đơn vị này lại có chung một lãnh đạo cao nhất là ông Vũ Văn Ninh – đương kim Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
Xung đột lợi ích đã xảy ra khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thay vì chỉ lo quản lý nhà nước lại phải lo cho lợi ích của doanh nghiệp mà ông ta kiêm nhiệm. Ông Doanh cho rằng trong trường hợp SCIC, lợi ích cá nhân đã mạnh hơn lợi ích của đất nước.
Do vậy, ông Doanh cho rằng đã đến lúc Quốc hội cần vào cuộc giám sát vấn đề lương, thưởng của các tổng Cty, tập đoàn, đảm bảo sự công bằng xã hội. Ông Doanh cũng thắc mắc, tại sao đến giờ này không thấy có lãnh đạo nào của SCIC hay Bộ Tài chính có ý kiến, không rõ trách nhiệm của họ ở đâu.
HĐQT SCIC gồm 7 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT. Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ông Trần Văn Tá. Các ủy viên HĐQT kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.Hai thành viên chuyên trách HĐQT là ông Hoàng Nguyên Học- Phó Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Huy- Trưởng Ban Kiểm soát.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com