Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn tín dụng đầu tư mỏng hơn nhu cầu

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ năm 2010 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Theo đó, năm tới, VDB chỉ có 26.400 tỷ đồng để cho vay tín dụng đầu tư. Số vốn này được xem là “quá mỏng” so với nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Theo số liệu của VDB, trong 11 tháng đầu năm, ngân hàng này đã tiếp nhận khoảng 260 dự án mới với tổng mức đầu tư lên tới 90.000 tỷ đồng. Sau khi thẩm định, VDB đã chấp thuận cho vay 200 dự án với số vốn vay khoảng 46.700 tỷ đồng, nâng tổng số dự án vay vốn của VDB lên con số 3.260, với tổng mức vốn đầu tư lên tới 430.000 tỷ đồng.

Với nguồn vốn tín dụng đầu tư khá eo hẹp, lãnh đạo VDB đã tính đến phương án sắp xếp thứ tự ưu tiên giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi này trong năm tới.

Theo đó, các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành ngay trong năm 2010 được xếp vào thứ tự ưu tiên số 1.

“Nếu dự án nào có thể hoàn thành được trong năm 2010 thì VDB đáp ứng vốn tối đa”, Tổng giám đốc VDB, ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định.

Các dự án trọng điểm, cấp thiết của Chính phủ được xếp thứ tự ưu tiên thứ 2. Các thứ tự ưu tiên nguồn vốn tín dụng đầu tư còn lại là dự án trồng, chăm sóc rừng, đặc biệt là chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng; các dự án an sinh xã hội (bệnh viện, trường dạy nghề, xử lý rác thải…).

“Chỉ khi nào cân đối đủ nguồn vốn cho các dự án ưu tiên, VDB mới cân đối vốn cho các dự án khác”, ông Dũng thông báo với các doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Dũng cũng nói thêm là, trong trường hợp VDB khai thác được nhiều nguồn vốn thì sẽ đáp ứng đủ vốn tín dụng đầu tư theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong điều kiện nguồn vốn tín dụng đầu tư không nhiều, VDB đã chính thức đề nghị các doanh nghiệp có dự án đầu tư chuyển tiếp phải rà soát kỹ về khả năng, tiến độ thực hiện của dự án và đăng ký kế hoạch giải ngân năm 2010 cho VDB ngay trong tháng 12 này.

“Khi rà soát về tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn năm 2010, các doanh nghiệp phải đăng ký sát với tình hình thực tế”, ông Dũng thông báo.

Ông Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng đầu tư thường không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi đăng ký nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đề nghị kế hoạch vốn cao hơn so với năng lực giải ngân trong năm.

Đơn cử như năm 2009, các doanh nghiệp đăng ký nguồn vốn tín dụng đầu tư lên tới 29.000 tỷ đồng, nhưng sau 11 tháng mới giải ngân được khoảng 20.000 tỷ đồng. Trước tình hình giải ngân quá chậm, VDB đã điều chỉnh nguồn vốn xuống 23.000 tỷ đồng, nhưng nhiều khả năng mục tiêu này cũng khó có thể đạt được.

“Việc doanh nghiệp đăng ký kế hoạch vốn không sát thực tế không chỉ khiến VDB rất lúng túng trong việc bố trí vốn mà còn dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp mới khởi động dự án rất cần vốn để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mặt bằng hay những doanh nghiệp rất cần vốn để nhập thiết bị, dây chuyền, máy móc lại không thể vay được trong khi đó các dự án nằm trong kế hoạch, thậm chí thuộc đối tượng ưu tiên số 1 (dự án chuyển tiếp) lại không thể hấp thụ được nguồn vốn này, khiến TDĐT của Nhà nước giảm hiệu quả”, ông Dũng nhấn mạnh.

Việc các dự án nằm trong kế hoạch giải ngân vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước không thể hấp thụ hết số vốn đã đăng ký, theo nhiều doanh nghiệp, ngoài một số nguyên nhân chủ quan, còn có không ít nguyên nhân khách quan nằm “ngoài tầm với” của doanh nghiệp, thậm chí có những dự án đã có khối lượng hoàn thành cũng không thể giải ngân được vì bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính.

Đơn cử, để được khai thác mỏ, khai thác đá, khai thác nguyên liệu cho các dự án sản xuất xi măng, doanh nghiệp bắt buộc phải có giấy phép khai thác. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để được cấp giấy phép khai thác mỏ, doanh nghiệp phải tiến hành khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ.

Sau khi có sự xác nhận của cơ quan tài nguyên - môi trường về trữ lượng mỏ, doanh nghiệp phải tiến hành xin xác nhận của hàng loạt cơ quan khác về việc mỏ dự định khai thác bảo đảm môi trường, không ảnh hưởng đến di tích, văn hoá… với tổng cộng 33 con dấu, còn thời gian để làm các thủ tục này thì không thể ước lượng được.

“Với quá nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà đã dẫn đến thực trạng là có không ít  nhà máy xi măng, dự án nằm trong kế hoạch  giải ngân vốn tín dụng đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào vận hành rồi, đã đưa sản phẩm ra thị trường nhưng vẫn chưa có giấy phép khai thác mỏ nên doanh nghiệp không thể vay được vốn tín dụng đầu tư”, ông Dũng chia sẻ.

Đứng trước việc VDB sẽ cắt giảm mạnh nguồn vốn tín dụng đầu tư nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng. “Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn và mới bắt đầu phục hồi, nếu cắt giảm ngay sẽ khiến nhiều dự án bị đình trệ hoặc giảm hiệu quả do thiếu vốn đầu tư hoặc phải vay vốn tại các ngân hàng thương mại”, đại diện một doanh nghiệp tại miền Trung phát biểu và kiến nghị, VDB nên đưa ra lộ trình cắt giảm nguồn vốn từ từ để các doanh nghiệp kịp thích ứng trong bối cảnh nền kinh tế năm 2010 vẫn chưa hết khó khăn.

Đồng tình với quan điểm phải đưa ra thứ tự ưu tiên trong việc giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư của VDB, tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, ngoài việc bố trí vốn tối đa cho các dự theo thứ tự ưu tiên, VDB cần phải tăng cường huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu chính phủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

(Đầu Tư)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Nợ đất quy ra vàng, người dân 'ngồi trên lửa'
  • Phát triển tín dụng: Chờ năm sau!
  • Nhiều người vẫn mơ hồ về vai trò của bảo hiểm
  • Những điều cần lưu ý khi quyết toán thuế 2009
  • Ngân hàng thương mại 'nhìn nhau' tăng lãi suất
  • Tác động trái chiều chính sách: Nguy cơ của vòng luẩn quẩn
  • Phải có chiến lược giữ tiền cho dân
  • Thanh toán bằng thẻ: Chưa như kỳ vọng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!