Tâm điểm đáng chú ý của kinh tế trong nước tuần qua là lạm phát tăng khá bất ngờ. Bên cạnh đó, một số vấn đề kinh tế Việt Nam đang được bàn luận tại một số hội thảo cũng được nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, các nhà đầu tư đang ngóng chờ thông tin về Thông tư 13 khi chỉ còn 1 tuần nữa là chính thức có hiệu lực.
Mặc dù đã có thông tin rò rỉ được loan truyền trước đó nhưng thông tin chính thức về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng mạnh khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Thêm vào đó, một số ”chuyên gia” lại làm động tác quen thuộc là tiếp tục cảnh báo về nguy cơ lạm phát trong những tháng sắp tới.
Cụ thể, CPI cả nước tăng đến 1.31%, trong đó TP.HCM tăng 0.96%; Hà Nội tăng 0.97%; Khánh Hòa tăng 2.79; Cần Thơ 2.97%; Thừa Thiên Huế tăng 1.89%; Thái Nguyên tăng 5.46% so với tháng trước. Đây là tháng CPI tăng cao nhất trong kể từ Tháng 2/2010 đến nay. Hầu hết các mặt hàng trong rổ hàng hóa tính CPI đều tăng khá mạnh.
Trong đó những mặt hàng như lương thực - thực phẩm thiết yếu cũng tăng tốc theo mùa vụ. Đặc biệt là chi phí giáo dục chiếm 5.72% rổ hàng hóa tính CPI đã tăng đến 12.02% trong tháng 9 và đã đóng góp 0.70% vào mức tăng 1.31% của CPI chung. Ngoài ra, nhóm hàng lương thực thực phẩm cũng tăng mạnh lên đến 2.32%.
Giá hàng hóa tăng mạnh là một loạt các nguyên nhân như: việc điều chỉnh giá xăng dầu, tỷ giá và mức học phí cho năm học mới. Giá xăng dầu mới được điều chỉnh tăng khi giá dầu thô hơn 80 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đang quanh mức 74 USD và kéo dài hơn 1 tháng qua nhưng xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn chưa được điều chỉnh. Tỷ giá cũng đã được điều chỉnh tăng thêm 2.1% vào trung tuần tháng 8. Không những vậy, giá một số mặt hàng trên thế giới cũng đang tăng trở lại.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến CPI tăng mạnh vẫn là do học phí đồng loạt điều chỉnh tăng trong mùa tựu trường. CPI tháng 9 nếu loại trừ các yếu tố bất thường trên chỉ tăng khoảng 0.4%.
Chúng tôi cho rằng những yếu tố làm cho CPI tăng mạnh trong tháng 9 sẽ không còn tác động quá mạnh trong những tháng tiếp theo. Do vậy, CPI những tháng sắp tới vẫn chịu sức ép tăng, đặc biệt là sau quyết định tăng thuế hơn 100 mặt hàng nhập khẩu, nhưng sẽ không còn mạnh. Chúng tôi dự đoán CPI cả năm vẫn được kiểm soát dưới 8% như mục tiêu của Chính phủ.
Tuần sau là tuần cuối cùng của tháng 9, hầu hết các thông tin vĩ mô sẽ được công bố và sẽ cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về nền kinh tế. Trong đó có những thông tin đáng chú ý như GDP, xuất nhập khẩu, thâm hụt ngân sách, tăng trưởng tín dụng.
GDP được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm. Mới đây GDP của TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2010 ước tính tăng 11.2%, còn Hà Nội tăng khoảng 10.2%. Như vậy, với việc GDP của 2 thành phố lớn tăng khá cao, GDP cả nước nhiều khả năng tiếp tục được cải thiện.
Vốn đầu tư FDI đăng ký lũy kế đến tháng 9/2010 đạt 12.19 tỷ USD, bằng 87.3% so với cùng kỳ 2009. Trong khi đó, FDI giải ngân tháng 9 đạt khoảng 800 triệu USD, lũy kế 9 tháng lên mức 8.05 tỷ USD, tăng 4.8% so với cùng kỳ năm 2010.
Số liệu về xuất nhập khẩu đang được nhiều người chờ đợi. Dự báo xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức tương ứng khoảng 6 và 7 tỷ USD như những tháng gần đây. Điều này cho thấy thâm hụt thương mại dự tính cả năm sẽ vào khoảng 11 tỷ USD.
Ngoài ra, thị trường trường tiền tệ cũng nhiều người quan tâm. Đáng chú ý là lãi suất liên ngân hàng sau khi tăng mạnh vào tuần trước, đang có dấu hiệu giảm trở lại. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền tháng 9 dự tính tiếp tục ở mức khá. Thêm vào đó đây cũng là tuần cuối cùng để công bố những điều chỉnh trong Thông tư 13, nếu có, trước khi có hiệu lực vào ngày 01/10/2010.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com