Theo tính toán, với 17.000 tỷ đồng để bù bốn phần trăm lãi suất của Chính phủ, ước chừng sẽ có khoảng hơn 500 ngàn tỷ đồng vốn vay ưu đãi được bơm ra nền kinh tế.
Nhà máy sản xuất A - pa - tít (Lào Cai) Ảnh: TL |
Như vậy, con số 80 ngàn tỷ đồng giải ngân trên toàn hệ thống ngân hàng hiện mới đạt 1/5 quãng đường…
Tuy nhiên, theo một đánh giá mới đây của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), qua công tác nắm tình hình khách hàng tại khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của ngân hàng này, có tới 60 phần trăm doanh nghiệp (DN) muốn co cụm để duy trì sự tồn tại chứ không muốn vay vốn để phát triển.
Làm thế nào để xem xét cho vay đúng đối tượng?
Theo ông Phạm Quốc Thanh - Phó TGĐ ABBANK, trong quá trình thực hiện, đúng là có một vài trường hợp ngân hàng phải tham vấn lại Ngân hàng Nhà nước xem khoản vay có thuộc đối tượng bù lãi suất hay không.
Tuy nhiên, trường hợp đó không nhiều. Theo ông Thanh, khi cho vay chương trình này, nguyên tắc đầu tiên của ngân hàng là phải cẩn trọng và siết chặt quá trình giải ngân để đảm bảo việc cấp bù lãi suất được thực hiện đúng đối tượng từ khoản trích bù của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, ngân hàng còn lập đội kiểm tra trước, trong và sau quá trình giải ngân để tránh phát sinh những sai sót.
Tại Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), tính tới 18/2, có 2.260 hồ sơ xin vay ưu đãi. MHB Đồng Tháp đứng đầu về triển khai khách hàng cá nhân với khoảng 500 hồ sơ xin vay vốn.
Theo tính toán nhóm khách hàng có nhu cầu bức thiết về vốn vay tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như thương nghiệp, sửa chữa động cơ, ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, nông nghiệp và lâm nghiệp, thủy sản. MHB dự định dành 24.000 tỷ đồng cho chương trình cho vay cấp bù lãi suất theo quy định của Chính phủ.
Theo số liệu của Hiệp hội DNNVV, hiện cả nước có khoảng hơn 350.000 DN, trong đó có khoảng 246.000 DN đang nộp thuế. Theo dự tính nếu khoảng 70 phần trăm số DN này đủ điều kiện vay vốn, tức là 172.200 DN, trung bình mỗi DN sẽ có cơ hội nhận được số vốn ưu đãi khoảng 3,8 tỷ đồng (chưa kể các tập đoàn lớn có thể cần số vốn lên tới cả trăm tỷ).
Tại cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và khách hàng do Ngân hàng Hà Nội- Sài Gòn vừa tổ chức, một doanh nghiệp xuất khẩu mây tre đan tỏ ý lo lắng không biết mình có trong diện được bảo lãnh hay không khi trên thực tế có thời điểm lao động của DN lên đến hơn 500 người nhưng đó chỉ là số lao động thủ công, không dài hạn.
Cùng đó, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng thắc mắc liệu công ty họ với việc thế chấp một số hợp đồng đóng tiền đất nền, nhà chung cư, liệu có thể vay hỗ trợ từ SHB.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, ngân hàng cũng đang phải đối mặt với hai điểm khó. Một là doanh nghiệp vay thường thiếu tài sản đảm bảo vay; hai là đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp chưa am hiểu các thủ tục tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, dẫn đến làm chậm quá trình giải ngân hoặc không vay được.
Ngân hàng sẽ làm gì để gỡ rối? Ông Hiển cho hay, SHB đã thành lập một tổ công tác đặc biệt. Gặp bất cứ khó khăn gì, các chuyên viên tư vấn và hỗ trợ sẽ xin ý kiến giải quyết ngay.
Giải ngân hơn 90 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2/2009 (tháng đầu tiên thực hiện hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm nhằm kích cầu), có 85 ngân hàng thương mại giải ngân 93.027 tỷ đồng.
K.Huyền |
( Theo VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com