Phát đi chứng thư bảo lãnh cho ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để vay và cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ có cơ chế giám sát nào đảm bảo nguồn tiền đến đúng đối tượng, và khoản vay sử dụng đúng mục đích.
Tiền Phong trao đổi với ông Nguyễn Quang Dũng, TGĐ VDB.
Những ngày qua, VDB ký kết bảo lãnh cấp vốn vay với hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM), ông kỳ vọng gì vào điều này?
Việc ký kết giữa VDB và các NHTM, trước hết, nằm trong mục tiêu thực hiện tốt Quyết định 14/CP của Chính phủ.
Ngoài ra, còn thể hiện sự thống nhất về ý chí và hành động của VDB với các NHTM, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các DN. Sau khi VDB phát chứng thư bảo lãnh, các NHTM sẽ giải ngân và nguồn vốn sẽ được cung ứng kịp thời cho nền kinh tế.
Mặt khác, với cách làm như trên, còn tránh cho DN phải chạy đi, chạy lại lên ngân hàng xin được thẩm định dự án nhưng không chắc có được vay vốn hay không.
Giả định, DN không trả được nợ, với vai trò bảo lãnh, VDB sẽ phải trả nợ thay. Hoặc DN có thể trả được nợ nhưng cứ bảo là không. Vậy cơ chế kiểm tra sẽ thế nào, thưa ông?
Chính phủ cho phép, trong phạm vi 60 ngày, VDB sẽ quyết định việc trả nợ thay. Nhưng tôi nghĩ, VDB không để đến 60 ngày mà có thể triển khai trả nợ thay sớm hơn. |
Trước hết, VDB phải rà soát sổ sách kế toán. Tất nhiên, đối với các DN thì có trường hợp làm sổ sách tốt, có trường hợp chưa tốt nhưng mục tiêu của Chính phủ trong QĐ 14 không chỉ là sự hỗ trợ thuần túy mà, thông qua đó, VDB, NHTM và các cơ quan quản lý giúp DN chấn chỉnh lại công tác kế toán, hạch toán sổ sách để họ làm ăn lành mạnh hơn, mục tiêu đầu tư, phương án sản xuất đạt hiệu quả cao hơn...
Để biết DN có hoặc không có khả năng trả nợ thì phải kiểm tra, phối hợp giữa VDB với NHTM và các tổ chức quản lý DN (hiệp hội ngành hàng chẳng hạn). Nhưng tôi tin, DN sẽ thấy hết trách nhiệm của mình với Chính phủ, với nền kinh tế.
Trong trường hợp có sự vi phạm từ phía được bảo lãnh, chế tài xử lý là gì, thưa ông?
Chủ trương của Chính phủ là không hình sự hóa những khúc mắc thuộc về lĩnh vực kinh tế nhưng Chính phủ có đầy đủ các quy định về hợp đồng tín dụng, thỏa thuận, cam kết kinh tế.
Chưa kể, trong quy chế bảo lãnh cũng ghi rõ trách nhiệm từng bên, cho nên chúng tôi sẽ kiểm tra được. Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối kết hợp với các hiệp hội ngành hàng, cấp ủy, chính quyền địa phương, công đoàn của DN... để đấu tranh với những hành vi không tốt…
Nhiều DN lớn phản ánh, đây là thời điểm thuận lợi để nhập một số thiết bị máy móc hiện đại, nguyên vật liệu cao cấp giá rẻ. VDB đã hỗ trợ gì cho họ?
Mấy ngày qua, Chính phủ đã nghe báo cáo của một số tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tập đoàn Than & Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... trong đó có đề cập tới phương án đầu tư mới như mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền hiện đại.
Chẳng hạn, Vinatex đang cử chuyên viên thị trường đi tìm hiểu mua sắm những thiết bị hiện đại của các nhà máy lớn trên thế giới bị phá sản. Hoặc, nếu các DN mua được những nhà máy, thiết bị bệnh viện mới, đáp ứng đủ nhu cầu mở rộng đầu tư thì VDB sẵn sàng hỗ trợ vốn ngay.
Tôi cho rằng, trong lúc này, tất cả chúng ta phải đồng lòng, dốc sức hỗ trợ DN, giúp họ chiếm lĩnh được thị trường, thực hiện các dự án đầu tư, tận dụng tốt những cơ hội có thể có để vượt qua thời điểm đầy khó khăn này.
Mới đây, Chính phủ có giao Bộ Tài chính phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và, được biết, VDB cũng có kế hoạch tương tự. Liệu điều này có tác động xấu đến thị trường tỷ giá và làm trầm trọng thêm tình trạng đầu cơ ngoại tệ?
Đúng là VDB đang trình Chính phủ kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ của VDB nhưng việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước không phản ánh câu chuyện đô la hóa
hay sức khỏe dự trữ ngoại hối.
Với nguồn dự trữ ngoại tệ hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đủ lực để bình ổn. Hơn nữa, nếu không phát hành, trong nền kinh tế vẫn có đô la. Vậy, tại sao không huy động nguồn ngoại tệ đang trôi nổi cho đầu tư?
Cảm ơn ông!
( Theo VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com