Khi điều chỉnh tỷ giá không khuyến khích được xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Làm thế nào để vừa đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ giá đồng tiền, vừa kích thích tăng trưởng, Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói: Năm 2010, nổi lên mấy cái lo lớn: Bội chi ngân sách mức bình thường có thể chấp nhận là 5% GDP, trong khi chúng ta đang ở mức trên 7%, nên năm 2010 phải kiểm soát bội chi, mà muốn kiểm soát bội chi thì không thể từ 7% cắt xuống dưới 5% được.
Việt Nam trong 3 năm vừa rồi thâm hụt vãng lai trên 8% GDP nên đang ở mức báo động. Nếu chúng ta tiếp tục như thế sẽ đối mặt những nguy cơ xấu. Nỗi lo khác nữa là giá cả tăng nhanh.
Theo ông, năm 2010 chúng ta cần có đối sách gì và ưu tiên mục tiêu nào?
CPI 3 tháng đầu năm tăng 4,25% trong khi theo yêu cầu của Quốc hội là năm nay phải kiểm soát dưới 7%. Thật khó giữ được mức 7%, tuy nhiên nếu có một con số khác thì cũng làm sao để không xảy ra tình trạng ai cũng xem việc mua hàng giá luôn tăng như một sự bình thường.
Lạm phát năm nay mà giữ dưới 10% là thành công. Nếu chúng ta muốn kìm lạm phát ở mức 7% cũng được, nhưng như vậy sẽ phải hy sinh tăng trưởng quá lớn. Mình đang cố gắng duy trì tăng trưởng từ 6 đến 6,5% thì phải chấp nhận lạm phát 9-10%.
Theo ông, làm thế nào để giữ giá xăng dầu nhằm tránh tác động tăng giá đến các mặt hàng khác?
Có lẽ năm nay chúng ta phải chấp nhận dành một khoản tiền để bù lỗ giá xăng dầu, nếu muốn kiểm soát lạm phát. Nếu khi giá thế giới tăng, DN nhập khẩu xăng dầu thay vì điều chỉnh ngay theo thị trường thế giới thì vẫn giữ nguyên giá cũ, ngân sách bù vào khoản lỗ cho DN để giữ mặt bằng giá ổn định.
Với quan điểm là hỗ trợ ổn định giá xăng dầu để không bị lây lan tác động tăng giá đến loại hàng hóa khác. Khi các mặt hàng không tăng nữa hoặc tăng ít thì chúng ta sẽ kiểm soát được lạm phát dưới 10%.
Thưa ông, có ý kiến thắc mắc tại sao không bỏ trần lãi suất huy động vốn?
Trong thời điểm hiện nay, khi các ngân hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng vô kỷ luật vẫn còn thì chúng ta phải giữ trần lãi suất huy động. Đến khi nào đưa được các ngân hàng vào kỷ luật, lúc đó mới bỏ trần, và phải có lộ trình.
Theo tôi, hết năm 2010 bỏ trần lãi suất huy động là được. Và Ngân hàng Nhà nước cần ra thông điệp: trần là 12%, nhưng nếu Chính phủ kiểm soát tốt lạm phát ở mức 7-8% thì trần này có thể hạ xuống từ bây giờ đến cuối năm.
Theo tính toán, nếu lạm phát được kiểm soát dưới 10% thì lãi suất trần sẽ xuống 10% trong thời gian tới, có thể là vào tháng 10, 11-2010 và khi đó lãi suất cho vay sẽ khoảng 12 đến 13%. Đó là mong muốn chung của các DN.
Việc điều chỉnh tỷ giá, liệu có đạt được mục tiêu tăng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu không, thưa ông?
Năm rồi có nhiều lần ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều chỉnh tỷ giá vừa rồi là khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Việc điều chỉnh có đạt được mục tiêu nhưng không lớn.
Tôi cho rằng không nên phá giá đồng tiền mà cần giữ ổn định lâu dài, vì thực chất khi điều chỉnh tỷ giá cũng không khuyến khích được xuất khẩu. Xuất khẩu chúng ta giảm không phải do giá mà do tổng cầu thế giới giảm. Phá giá đồng tiền sẽ khiến Việt Nam thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế và giảm dự trữ ngoại hối đến mức báo động.
Theo ông, Việt Nam có thiếu tiền mặt, thiếu vốn không?
Việt Nam không thiếu vốn, không thiếu tiền, nhưng thiếu tiền giá rẻ. Hiện nay cần tiền giá cao thì bao nhiêu cũng có, ngân hàng đáp ứng rất nhanh. Nhưng tiền giá rẻ, tiền mà người ta cần vay với lãi suất cỡ 12% thì không có. DN cần vay ngắn hạn (để XNK), ngân hàng lại bảo anh vay trung dài hạn đi, tôi có tiền cho vay với lãi suất 15-16%. Đang có sự bất cân đối ở chỗ đó.
(Theo Đại Dương // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com