9 giờ tối ngày thứ năm cách đây hai tuần (18/12), một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước mới được ra về sau khi kết thúc cuộc họp quan trọng giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lãnh đạo các NHTM. Tới ngày thứ sáu (19/12), sau khi NHNN chính thức ban hành các chính sách nới lỏng tiền tệ lần thứ năm chỉ trong vòng hai tháng, ông chỉ nhận xét rằng: “Thế này thì khó quá, nhưng vẫn còn đỡ hơn so với kế hoạch ban đầu của cuộc họp”.
Cái “đỡ” mà vị lãnh đạo đề cập tới ở đây là ban đầu NHNN có ý định hạ lãi suất cơ bản tới 3% xuống chỉ còn 7%, nghĩa là trần lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng sẽ chỉ còn 10,5%/năm. Rất may là sau khi tham khảo, lấy ý kiến các NHTM mà đa số đều cho rằng mức lãi suất cơ bản 7% sẽ là quá khó khăn thì NHNN đã “nương tay”. Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng, sự độc lập của NHNN Việt Nam, như một quan chức NHNN đã từng phân tích trên báo chí, là khá thấp. Có nghĩa là, quyền quyết định chính sách tiền tệ của NHNN chỉ là tương đối.
Cơ chế “bắt buộc”…
Nhớ lại hồi tháng 3/2008, khi NHNN ra quyết định “bắt buộc” các NHTM phải mua tín phiếu NHNN với tổng giá trị lên tới 20.300 tỷ, nhiều ngân hàng đã phải chạy đôn chạy đáo để gom đủ tiền cho khoản mua tín phiếu với lãi suất huy động lên tới trên 10%/năm. Tại thời điểm đó, mức lãi suất 7,8%/năm cho tín phiếu của NHNN được coi là ít nhiều không thỏa đáng đối với các NHTM. Cho tới cuối tháng 6/2008, lãi suất này mới được điều chỉnh lên 13%/năm. Sang tháng 11/2008, khi lạm phát đã có dấu hiệu được kiềm chế và mục tiêu của chính sách tiền tệ lại quay về kích thích tăng trưởng, NHNN đã cho phép các NHTM rút tiền mua tín phiếu trước hạn do không muốn phải trả khoản lãi suất kia, nhưng rất ít ngân hàng nhận lại bởi họ cũng thừa vốn và lãi suất 13%/năm là mức khá tốt.
Điều nghịch lý là ở chỗ khi các NHTM mua tín phiếu đã là một hình thức bắt buộc thì tới nay, NHNN lại có một động thái “bắt buộc” khác là bắt các NHTM nhận tiền về, và trả lại tín phiếu khi không ngân hàng nào “tự nguyện” rút tiền mua tín phiếu trước hạn. Trong gói “chính sách” cách đây hai tuần, NHNN đã hạ mức lãi suất trả cho tín phiếu bắt buộc xuống chỉ còn 4,5%/năm. Mức lãi suất quá thấp này đã buộc các ngân hàng phải rút tiền về. Ngân hàng của vị lãnh đạo được đề cập trên đây đã phải nhận về 3.000 tỷ đồng mà chưa biết phải làm gì với số tiền này. Trước đây, 3 NHTM nhà nước và Vietcombank, mỗi ngân hàng đã bị bắt mua 3.000 tỷ đồng tín phiếu, trong khi các NHTM cổ phần lớn như ACB và Sacombank cũng buộc phải mua trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, theo ước tính sơ bộ, việc trả lại tín phiếu bắt buộc đã tạo điều kiện để có thể “bơm” vào thị trường một lượng tiền lên tới 17.000-18.000 tỷ đồng. Cộng với việc cắt giảm dự trữ bắt buộc từ 6% xuống còn 5% với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng cũng “đẩy” thêm vào hệ thống khoảng 20.000 tỷ đồng. Khoản tiền lên tới gần 40.000 tỷ đồng này đã làm cho hệ thống, vốn đã dư thừa vốn từ nhiều tuần, càng ngập vốn.
Trong khi khoản tiền này đang tạo thêm áp lực tìm đầu ra lên các NHTM thì lại có thêm khó khăn về vấn đề lãi suất. Việc hạ lãi suất cơ bản qua đó hạ thấp trần lãi suất cho vay liên tục trong thời gian qua đã khiến các ngân hàng không thể còn lãi từ tín dụng. Hiện nay lãi suất huy động bình quân của các NHTM thấp nhất cũng là trên dưới 10%/năm, thậm chí có ngân hàng vẫn ở trên mức lãi suất trần 12,75%/năm (sau khi lãi suất cơ bản được điều chỉnh xuống 8,5%), có nghĩa là các ngân hàng sẽ cùng lắm là hòa vốn khi cho vay.
Bản thân cơ chế quản lý theo trần lãi suất cũng là một điều đáng bàn. Có một nghịch lý là, trước đây tự do hóa lãi suất đã từng được coi là một thành tựu lớn của ngành ngân hàng. Trong một cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng hồi tháng 10, hiệp hội này đã quyết định sẽ kiến nghị lên NHNN và Chính phủ cho phép quay lại cơ chế tự do hóa lãi suất. Nhóm chuyên gia tài chính-ngân hàng nước ngoài trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây cũng lên tiếng kêu gọi bãi bỏ cơ chế lãi suất trần, nhưng tới nay NHNN vẫn đang trong quá trình cân nhắc chưa biết khi nào mới xong.
“Trong hơn 20 năm làm ngân hàng của tôi chưa có năm nào khó khăn như năm nay. Có quá nhiều thay đổi ngược chiều trong chính sách tiền tệ trong một thời gian ngắn khiến ngân hàng không sao đoán định và thích ứng nổi”, một vị lãnh đạo NHTM cổ phần cho biết.
… Khó cho tất cả
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cũng khó có thể duy trì và mở rộng sản xuất và nhu cầu vay vốn do đó cũng không cao. Giám đốc một doanh nghiệp may xuất khẩu cỡ lớn tại Hà Nội với doanh thu từ xuất khẩu hàng năm lên tới xấp xỉ 100 triệu đô-la Mỹ tâm sự rằng, số lượng đơn đặt hàng cho năm 2009 của công ty từ các thị trường chính như Mỹ và châu Âu đã sụt giảm rất mạnh và do đó doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng. Đây cũng là tình trạng của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Theo ý kiến của ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Công ty Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề hiện nay không phải là được vay vốn ở mức lãi suất nào mà là vay để làm gì và liệu có sử dụng hiệu quả hay không.
Tình hình cho vay của các NHTM thể hiện khá rõ qua mức tăng trưởng tín dụng của tháng 12. Qua theo dõi 3 tuần đầu tiên của NHNN, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chỉ xấp xỉ 1%, trong khi đó mức tăng trưởng huy động vốn đạt mức 3%. Lãnh đạo một NHTM cổ phần cho biết, có một sự khác biệt rất rõ trong hoạt động cho vay năm nay khi mà tốc độ cho vay rất chậm, chỉ tăng khoảng 1% trong hai tháng cuối năm, trong khi đó những năm trước lên tới 6-8% trong hai tháng cuối năm do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao vào cuối năm. “Hiện nay chúng tôi chủ yếu cho vay các dự án cũ đã cam kết, còn cho vay dự án mới chỉ đếm trên đầu ngón tay trong vài tuần qua, bởi lẽ ngân hàng cũng ngại cho vay và doanh nghiệp thì cũng ngại vay”, vị lãnh đạo cho biết.
Trong khi đó, cho vay tiêu dùng cũng “tắc” do mức lãi suất trần quá thấp khiến nhiều ngân hàng không dám cho vay. Các kênh đầu ra cho nguồn vốn ngân hàng đều khó khiến cho các giải pháp “nới lỏng” của NHNN càng làm hệ thống thừa vốn. Mà điều này sẽ có tác động ngược làm giảm khả năng điều tiết thị trường tiền tệ của NHNN, bởi một trong những nguyên tắc để đảm bảo thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả là không để các NHTM quá dư thừa vốn. Khi các NHTM dư thừa vốn họ sẽ phản ứng rất chậm trước những thay đổi chính sách của NHNN. Hiện nay, NHNN vẫn đang trả lãi cho khoản dự trữ bắt buộc của các NHTM, do vậy, càng hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ càng “đẩy” thêm khó khăn cho các NHTM.
Trong một năm mà các NHTM rất khó khăn trong việc cho vay do lãi suất biến động quá nhiều, doanh nghiệp cũng bị vạ lây. Nửa đầu năm nay, khi lãi suất liên tục tăng cao, ngân hàng luôn tìm mọi cách ép doanh nghiệp điều chỉnh tăng lãi suất cho vay từng tháng theo lãi suất thị trường. Giờ đây, các ngân hàng lại chần chừ trong việc điều chỉnh giảm lãi suất và chỉ điều chỉnh theo thời hạn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Ông Xuân cho biết, đa số ngân hàng mà công ty ông có quan hệ tín dụng đều như vậy. “Tuy nhiên, trong một năm có nhiều biến động bất lợi như năm 2008 thì phản ứng như trên của các ngân hàng cũng là dễ hiểu”.
(Theo dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com