Tập đoàn HSBC đã chính thức ra mắt ngân hàng con 100% nước ngoài đầu tiên tham gia thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam. Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, đây là mốc quan trọng của HSBC tại Việt Nam, thể hiện sự phát triển vững mạnh của Tập đoàn ở một thị trường đang phát triển.
Mặc dù tình hình thị trường tài chính năm 2008 có nhiều biến động, nhưng HSBC vẫn tin vào tiềm lực kinh tế Việt Nam, với nguồn nhân lực năng động. Ông Tobin cho biết, sắp tới, ngân hàng con của HSBC sẽ mở thêm một chi nhánh ở tỉnh Bình Dương và 7 phòng giao dịch tại khu vực TP.HCM (dự kiến hoàn tất trong quý I/2009).
Việc chuyển đổi từ chi nhánh sang mô hình ngân hàng con 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho HSBC. HSBC Việt Nam sẽ được thực hiện nghiệp vụ huy động vốn bằng VND, thay vì chỉ có ngoại tệ như trước. Đồng thời, HSBC có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng khi mở rộng mạng lưới hoạt động. Các dịch vụ tài chính bán lẻ mà HSBC Việt Nam đã giới thiệu đến khách hàng Việt Nam trong năm 2008 gồm: thẻ tín dụng HSBC; dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; mở rộng hệ thống ATM…
Standar Chartered và ANZ cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục để ra mắt ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại thị trường tài chính Việt Nam. Trong những ngày cuối của năm 2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cấp phép cho hai ngân hàng nước ngoài được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam gồm: Ngân hàng TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam (vốn điều lệ 1.670 tỷ đồng); Ngân hàng TNHH một thành viên Hong Leong Việt Nam (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng).
Về nội dung hoạt động, ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được thực hiện các nghiệp vụ như: huy động vốn; hoạt động tín dụng; dịch vụ thanh toán và ngân quỹ và các hoạt động khác được quy định cụ thể trong giấy phép.
Năm 2009, được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành tài chính – ngân hàng. Song các ngân hàng nước ngoài lại nhìn thấy nhiều cơ hội ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, cạnh tranh về dịch vụ tài chính bán lẻ trên thị trường nội địa được các chuyên gia dự báo sẽ gay gắt hơn trong năm 2009, khi thị trường có thêm sự tham gia của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.
Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Hồ Hữu Hạnh, hiện các ngân hàng trong nước đã chú ý đến việc phân loại thị trường và hướng đến các khách hàng mục tiêu tùy theo điều kiện khả năng hoạt động của từng đơn vị. Trong đó, sản phẩm thẻ thanh toán được hầu hết các ngân hàng quan tâm, bởi đây là công cụ hữu hiệu trong quá trình phát triển các dịch vụ tài chính bán lẻ, giúp khách hàng tiếp cận nhanh các sản phẩm tài chính.
Mặc dù sản phẩm, dịch vụ được đa dạng hóa, song trên thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính tiện ích cao và vẫn nặng về dịch vụ truyền thống (tín dụng, thanh toán, huy động vốn). Trong khi đó, nhu cầu phát triển của xã hội ngày càng cao. Vì vậy, đòi hỏi công nghệ giữa hệ thống ngân hàng phải có sự đầu tư đồng đều.
Điều kiện cơ bản để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là khi xây dựng và phát triển các sản phẩm, đòi hỏi phải dựa trên năng lực tài chính; hạ tầng công nghệ; xây dựng danh mục sản phẩm phù hợp với điều kiện, năng lực; tổ chức hệ thống mạng lưới phân phối; mục tiêu chiến lược phát triển khách hàng, phân khúc thị trường; nguồn nhân lực chất lượng.
Với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập dần được cải thiện, các chuyên gia tài chính nhận định, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính bán lẻ tại Việt Nam sẽ rất lớn. Vấn đề là các ngân hàng phải biết khai thác và vận dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com