Kết luận của ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính với trường hợp bị treo 1,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty TNHH Phước Hồng (Hải Phòng) rất có thể sẽ chấm dứt chuỗi ngày khiếu kiện dài 4 năm rưỡi của Công ty. Theo đề nghị của ông Tuấn, Công ty Phước Hồng sẽ gửi toàn bộ hồ sơ lên Bộ Tài chính để được giải quyết trực tiếp.
Bà Đỗ Thị Thanh Thảo, kế toán trưởng Công ty TNHH Phước Hồng khá bức xúc tại diễn đàn đối thoại này khi kể lại hành trình đi xin hoàn thuế của Công ty. Hồ sơ của Phước Hồng bị ách lại do đối tác làm ăn với Công ty đã biến mất sau thời điểm doanh nghiệp triển khai các giao dịch làm ăn khoảng 8 tháng.
“Vào tháng 4/2005, chúng tôi không thể biết là đối tác đó sẽ bỏ trốn vào tháng 12/2005 để cắt hợp đồng. Tuy nhiên, suốt 4 năm rưỡi chúng tôi kiến nghị, khiếu nại, phía Cục thuế Hải Phòng trả lời là đợi đến khi xác định đúng là doanh nghiệp đó bỏ trốn vào tháng 12/2005 rồi sẽ quyết định. Chúng tôi đã gửi không dưới 30 văn bản kiến nghị và giờ thì tháng nào cũng nhận được thông báo nộp 10 triệu đồng tiền phạt”, bà Thảo cho biết và khuyến nghị, doanh nghiệp dù nhỏ nhưng cũng cần được đối xử công bằng.
Trường hợp của Công ty TNHH Mỹ Anh cũng được giải toả là không sai phạm đến mức phải nộp phạt. Thậm chí, cách lý giải mà ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng ban Pháp chế (Tổng cục Thuế) đưa ra với trường hợp chậm viết hoá đơn 6 ngày so với thủ tục hải quan, song vẫn khai thuế trong tháng bình thường hoàn toàn tương thích với cách doanh nghiệp hiểu và lý giải với cơ quan thuế địa phương.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hai cách này lại không thống nhất với cơ quan thuế địa phương và doanh nghiệp buộc phải nộp phạt 2 triệu đồng một cách không “tâm phục, khẩu phục”. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để chỉ đạo việc thực hiện ở các cơ quan thuế. Các quy định cũng phải được rà soát lại để đảm bảo đủ căn cứ cho việc thực thi pháp luật thống nhất”, ông Tùng cam kết tại Hội nghị.
Tuy khá đồng thuận với cách lý giải của các quan chức cơ quan thuế, song các doanh nghiệp có mặt cho rằng, những ý kiến tại Hội nghị này cần thêm một thời gian nữa để trở thành hiện thực. Hành trình của các thủ tục hành chính lâu nay vẫn là cản trở lớn tới việc hiện thực hoá các nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó có cả ngành thuế, hải quan.
Ông Tuấn cũng thừa nhận rằng, việc cần làm ngay của Bộ Tài chính là giảm thời gian làm thủ tục liên quan tới thuế của doanh nghiệp xuống còn khoảng 400 giờ/năm vào khoảng tháng 6, tháng 7/2009. So với con số trên 1.000 giờ/năm theo các khảo sát trước đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Ngân hàng Thế giới thì đây sẽ là bước đột phá mạnh mẽ.
Giải pháp được ngành thuế lựa chọn là thực hiện làm thủ tục qua mạng. “Năm nay, 5 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương sẽ thử nghiệm tiến hành các thủ tục liên quan đến thuế qua mạng. Phần mềm đang chạy thử và sẽ được phát miễn phí cho doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động này”, ông Tuấn nói.
Cần phải khẳng định rằng, thủ tục thuế là một trong những thủ tục hành chính được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực nhất trong đợt khảo sát trên 7.800 doanh nghiệp cho dự án xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh vừa công bố đầu tháng 12/2008. Tỷ lệ doanh nghiệp phải thỏa thuận với cán bộ thuế về các khoản thuế phải nộp năm 2008 là 36%, giảm khá mạnh từ mức 41% của năm 2007 và 61% trong năm 2006.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com