Theo Nghị quyết 23/2008/QH12 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Quốc hội đồng ý cho Chính phủ nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn và để đối phó với khủng hoảng tài chính trong trường hợp cần thiết. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành đã đề xuất 4 phương án để tìm nguồn thành lập Quỹ hỗ trợ DN gặp khó khăn mà trước mắt là triển khai gói kích cầu của Chính phủ.
Nguồn thứ nhất, ông Ninh cho biết, các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách sẽ tiếp tục được giải ngân số vốn còn lại của năm 2008 cho đến hết tháng 6/2009. Các dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư để sớm triển khai, Bộ Tài chính cho phép tạm ứng từ ngân sách để thực hiện, đồng thời Bộ sẽ xem xét tạm hoãn thu hồi vốn ngân sách đã ứng trước kế hoạch năm 2009 đối với dự án, công trình để tăng nguồn cho các bộ, ngành và địa phương.
Nguồn thứ hai, các dự án công trình sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) ngoài việc phân bổ kế hoạch vốn đúng thời hạn, sẽ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với các dự án nằm trong Danh mục đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở đó điều hoà vốn giữa các dự án, đồng thời cho phép tiếp tục giải ngân số vốn TPCP còn lại của năm 2008 trong năm 2009.
Nguồn thứ ba là thực hiện giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của quý IV/2008 và số thuế TNDN của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nhỏ và vừa. Giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong 9 tháng đối với số thuế phải nộp năm 2009 của các DN nhỏ và vừa, DN có hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử…
Nguồn thứ tư, Chính phủ dự kiến trích 1 tỷ USD từ Quỹ dự trữ ngoại hối để trực tiếp thực hiện việc kích cầu. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: “Số tiền 1 tỷ USD này không dùng để đầu tư vào các công trình cụ thể vì nếu làm như vậy, sẽ có rất ít công trình, dự án được hỗ trợ, nên Chính phủ dự kiến nguồn vốn này được xem như nguồn vốn mồi và thực hiện bằng cách hỗ trợ lãi suất cho một số đối tượng.
Nhờ nguồn vốn này, các đối tượng được hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy việc huy động vốn, hoặc vay ngân hàng để đẩy sản xuất - kinh doanh, mở rộng hoạt động”. Theo tính toán, nếu sử dụng 1 tỷ USD để kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất trong vòng 1 năm, các DN sẽ huy động vốn ngoài xã hội khoảng 400.000 tỷ đồng.
Đồng tình với các giải pháp tạo nguồn kích cầu của Bộ Tài chính, tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên còn băn khoăn về số tiền 1 tỷ USD dự kiến được lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối, bởi đây là nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên phải được Quốc hội thông qua.
Năm 2008, DN nhỏ và vừa đóng góp vào ngân sách 41.500 tỷ đồng, năm 2009 ước tính khu vực này đóng góp vào ngân sách 46.579 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng việc giảm 30% thuế TNDN cho khu vực này, trên thực tế Chính phủ đã gián tiếp thực hiện kích cầu với số tiền lên đến trên 20.000 tỷ đồng, nếu cộng cả số tiền giãn thuế 9 tháng cho DN nhỏ và vừa và DN có hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử… thì số tiền kích cầu ước tính lên đến gần 40.000 tỷ đồng.
Số tiền còn lại ngoài khoản 1 tỷ USD và TPCP dự kiến phát hành thêm, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng được xử lý bằng chính sách như tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hoá xuất khẩu trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất; giãn thời gian ân hạn nộp thuế đối với một số ngành hàng phù hợp với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như đóng tàu, sản xuất cơ khí…
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cơ bản để hỗ trợ DN; các ngân hàng thương mại thực hiện việc cơ cấu lại nợ và áp dụng các giải pháp xử lý nợ vay theo hướng hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm.
Trong bối cảnh sản xuất giảm mạnh và liên tục kể từ tháng 6/2008, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội , các giải pháp tạo nguồn mà Bộ Tài chính đề xuất rất kịp thời và cần phải triển khai sớm mới phát huy được mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Hiển vẫn băn khoăn về giải pháp giảm và giãn tiến độ nộp thuế TNDN, ông nói: “Trên thực tế, giải pháp này có tác động nhất định, song mới chỉ tạo động lực cho các DN có thu nhập, có lợi nhuận (phải nộp thuế TNDN), còn các DN thực sự khó khăn hiện nay như bị thua lỗ, đình đốn sản xuất, thậm chí đang đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể thì giải pháp này chưa tác động để tháo gỡ khó khăn cho DN”.
Theo ông, Bộ Tài chính và các bộ ngành cần đề xuất thêm một số giải pháp khác để tháo gỡ ngay những khó khăn này, với mục tiêu cao nhất là giảm thiểu số DN phải giải thể, phá sản; giảm thiểu tình trạng sa thải lao động do DN thu hẹp sản xuất, hoặc doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com