Ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, sau 2 tháng, mới có thể đánh giá được tác động của việc cho phép thực hiện cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận. Nhưng với cơ chế trần lãi suất huy động hiện nay, Ngân hàng khó có thể tìm được nguồn tiết kiệm trung, dài hạn để phát triển tín dụng.
Trong cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng và thành viên tại khu vực TP.HCM mới đây, các ngân hàng đã thống nhất kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn về việc sẽ tiếp tục thanh tra những ngân hàng vượt trần lãi suất huy động, nhưng các ngân hàng vẫn không ngừng gia tăng khuyến mãi cho khách gửi tiền.
Đơn cử, DaiA Bank vừa đưa ra chương trình “Tặng ngay vàng SJC và tiền thưởng”, với mức gửi từ 25 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng trở lên sẽ được tham gia chương trình. Mức thưởng thấp nhất nhận được 35.000 đồng, cao nhất là 3 chỉ vàng SJC. Tùy theo mức gửi và kỳ hạn, khách hàng sẽ được nhận ngay số vàng SJC và tiền thưởng tương ứng.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, để huy động được tiền nhàn rỗi trong bối cảnh hiện nay là rất khó và trên thực tế, tình trạng thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng và khách hàng (vượt mức trần) đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Đại diện một ngân hàng cho biết, lãi suất tiền gửi đang mất dần tính hấp dẫn, nhất là trước nguy cơ tái bùng phát lạm phát.
“Tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong tháng sau Tết Nguyên đán tuy không giảm mạnh so với tháng trước đó, nhưng nhìn chung không tăng. Đồng thời, khách hàng chỉ tập trung gửi tiền ở kỳ hạn ngắn (3 – 6 tháng), trong khi quy định ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn”, ông Vĩnh nói và nhận định, mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2010 không cao bằng năm 2009, nhưng khả năng về đích là rất khó.
Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, nhằm từng bước hiện thực hoá kế hoạch lợi nhuận năm 2010, bởi nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của hệ thống ngân hàng hiện chủ yếu từ hoạt động tín dụng. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh cho vay kinh doanh, sản xuất, các ngân hàng bắt đầu “tấn công” mảng tín dụng cá nhân, bao gồm cả cho vay chứng khoán và bất động sản.
“Hiện ACB vẫn triển khai tín dụng cầm cố chứng khoán trên cơ sở chọn lọc cổ phiếu để cầm cố. Với nguồn vốn khả dụng đang dư thừa khoảng 30.000 tỷ đồng, ACB sẽ đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng. Trong năm 2010, Ngân hàng tiếp tục phát huy và thực hiện các chương trình cho vay, nhưng có trọng điểm ưu tiên”, ông Hải nói và cho biết, đối với khách hàng đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn của ACB, đặc biệt là khách hàng hiện hữu, ACB cam kết đáp ứng đủ nhu cầu về tín dụng cho khách hàng với các điều kiện cho vay bình thường giống như giai đoạn đầu năm 2009.
Với OCB, tính đến nay, “room” cho vay cầm cố chứng khoán chỉ mới thực hiện khoảng 15% trên tổng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Vì thế, OCB vẫn cho vay cầm cố chứng khoán, với mức lãi suất theo quy định. Đối với tín dụng cá nhân (tiêu dùng, vay mua nhà, xe… trả góp), OCB áp dụng lãi suất thỏa thuận 16 – 18%/năm.
Theo một chuyên gia ngành tài chính, cần sớm bỏ trần lãi suất huy động, vì trần lãi suất huy động đang mất dần ý nghĩa và được xem là “vòng kim cô” buộc ngân hàng phải tìm cách “lách” lãi suất mới huy động được vốn.ª
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com