Chưa có năm nào chênh lệch lãi suất thị trường lại lớn như trong năm 2008 - Ảnh: Việt Tuấn. |
7 giờ 30 phút sáng, nhân viên bộ phận kinh doanh trái phiếu của một ngân hàng thương mại nhà nước đã phải có mặt.
Cô bật máy tính rồi vừa nhâm nhi ly cà phê vừa chăm chú nhìn vào màn hình. Những thông tin cập nhật về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, hơn chục cái email sẽ phải được đọc hết trước 9 giờ sáng - giờ bắt đầu giao dịch.
Từ sau 9 giờ tới hết buổi chiều là thời gian dành cho những giao dịch trái phiếu mà mỗi lệnh trị giá tới vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. "Nghề này căng thẳng lắm, nhưng cũng thú vị", cô cho biết.
Kinh doanh trái phiếu là một mảng không mới của nhiều ngân hàng, nhưng cũng phải tới 2 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu trong nước mới bắt đầu sôi động. Theo đó, bộ phận kinh doanh trái phiếu tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu được chuyên nghiệp hoá.
"Trứng vàng"…
"Con gà đẻ trứng vàng" - đó là nhận xét ngắn gọn về bộ phận kinh doanh trái phiếu trong năm qua của vị giám đốc ngân hàng nêu trên.
Lợi nhuận trong năm qua họ mang về cho ngân hàng lên tới 700 tỷ đồng, tương đương, thậm chí gấp vài lần tổng lợi nhuận của một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ trung.
"Trứng vàng gì đâu anh, năm ngoái chủ yếu là nhờ khối ngoại bán ra nhiều. Lo đủ vốn mà mua là trúng", cô nhân viên kinh doanh trái phiếu nở nụ cười khiêm tốn. Rồi cô kể lại những thời khắc khó khăn hồi tháng 3, tháng 4, khi khối nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tháo trái phiếu, "nhìn giá chào bán trái phiếu xấp xỉ 80% mệnh giá thèm lắm, nhưng không có tiền mua, dù biết mua là có lãi".
Các ngân hàng lúc đó cũng thiếu vốn, đến mức độ ngân hàng của cô đã phải tìm cách vay vốn qua kênh tái cấp vốn để có tiền mua trái phiếu. "Đương nhiên là bị Ngân hàng Nhà nước phê bình, nhưng không mua được thì tiếc lắm", cô nói.
Rải rác mua trong năm, hiện tại ngân hàng này đã nắm giữ 17.000 - 18.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Mỗi nhân viên trong bộ phận kinh doanh trái phiếu năm 2008 đã mua vào - bán ra với tổng khối lượng ít thì trên dưới 10.000 tỷ đồng, nhiều thì gần 20.000 tỷ đồng.
"Mỗi lệnh mua - bán trị giá hàng triệu USD, căng thẳng và lo lắng lắm chứ anh. Lãi hay lỗ hàng tỷ đồng của ngân hàng chỉ trong một lệnh", cô tâm sự.
…người có, người không
Điều ghi nhận đầu tiên trong năm 2008 là hầu như các ngân hàng thương mại tham gia mua trái phiếu đều có lãi.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam hồi giữa năm khó khăn đã khiến khối nhà đầu tư nước ngoài trở nên lo ngại thái quá. Vì thế, việc bán tháo trái phiếu của họ được các ngân hàng thương mại trong nước đón nhận nhiệt tình. Cái phao cứu vãn cho lợi nhuận của không ít ngân hàng là ở đây khi dịch vụ tín dụng truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Một ngân hàng thương mại cổ phần mới đi vào hoạt động, chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ nhưng đã đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận. "May mà có khoản kinh doanh trái phiếu, chứ không thì lấy đâu ra lãi", lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Cái hay của lãi từ kinh doanh trái phiếu là được ví như "lương khô". Nhiều ngân hàng không bị áp lực quá lớn về lợi nhuận trong năm nay hoàn toàn có thể để dành lãi từ kinh doanh trái phiếu cho năm tới. Nguyên tắc kế toán của Việt Nam cho phép họ làm như vậy.
Lãi hay lỗ từ kinh doanh trái phiếu chỉ được hạch toán sau khi kết thúc một vòng mua vào - bán ra hoặc trái phiếu đáo hạn. Nhưng trong tuần giữa tháng 12/2008, nhiều ngân hàng không thể chờ đợi thêm. Khối lượng giao dịch trái phiếu tăng đột biến, khiến nhiều chuyên gia trong ngành bất ngờ.
Quả thực, có những ngân hàng đã phải bán ra để hiện thực hoá lợi nhuận - một động tác đơn giản nhưng giúp họ tránh được "búa rìu" của các cổ đông.
Bằng một lệnh bán trái phiếu đang nắm giữ, một ngân hàng thương mại cổ phần đã có thêm 500 tỷ đồng tiền lãi, tương đương với 1/3 tổng lợi nhuận của ngân hàng. "Thế là có thể yên tâm tiến hành họp đại hội cổ đông", ông tổng giám đốc ngân hàng cho biết.
Tuy nhiên, ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước, trong số hơn 40 ngân hàng thương mại cổ phần chỉ có khoảng một nửa tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ trung tâm sự: "Tiếc quá, ngân hàng đang trong quá trình xây dựng đội ngũ kinh doanh vốn. Chứ anh mê nghiệp vụ ấy lắm".
Ngân hàng của ông năm qua chỉ thu về hơn 200 tỷ đồng tiền lãi, ông tiếc cũng là điều dễ hiểu.
…và năm có, năm không
Năm 2008 được coi là một năm đại thành công của những người kinh doanh trái phiếu, nhưng ai cũng hiểu rằng, đó chỉ là đột biến trong một năm bất thường.
Buôn trái phiếu dựa vào chênh lệch lãi suất, lãi suất trái phiếu biến động theo lãi suất thị trường. Chưa có năm nào chênh lệch lãi suất thị trường lại lớn như trong năm 2008. Khoảng cách từ mức lãi suất thấp nhất và cao nhất trong năm lên tới xấp xỉ 10%. Đó chính là cái "dễ" của năm 2008.
Sang năm 2009, lãi suất thị trường vẫn sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần. Biến động lãi suất cũng sẽ ổn định hơn và chênh lệch lãi suất cũng nhỏ hơn. Kinh doanh trái phiếu không còn dễ nữa.
Như cô nhân viên kinh doanh trái phiếu đã tâm sự, không như các bộ phận khác, năm nay, bộ phận kinh doanh trái phiếu chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận bằng 70% so với năm ngoái.
"Trứng vàng không phải năm nào cũng có, cũng như đâu phải lúc nào lạm phát cũng lên tới trên 20%".
( Theo báo điện tử VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com