Dường như xu hướng đua nhau tăng lãi suất huy động để “hút” vốn từ người dân giữa các NH đã dừng lại và xuất hiện xu hướng ngược dòng mới. Phải chăng việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động là do tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã ổn định lại?
Hơn 10 NH đồng loạt giảm lãi suất huy động
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần qua, có khoảng 15 ngân hàng thương mại cổ phần trong cả nước đã công bố giảm lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và đôla Mỹ. Dự đoán, trong những tuần tới sẽ còn rất nhiều các ngân hàng dự tính sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Lãi suất huy động VND kỳ hạn 3-12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện ở mức khoảng 17,5%/năm và của các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn là 17,16-17,5%/năm. Riêng các ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ vẫn áp dụng mức lãi suất khá cao, 18,2-18,6% cho kỳ hạn 3 và 6 tháng. Lãi suất huy động USD của các ngân hàng phổ biến giảm xuống dưới 7%/năm.
Không ồn ào như các cuộc đua tăng lãi suất trước đó, thời gian gần đây, các ngân hàng NHTM đã âm thầm giảm lãi suất huy động VND. Điều này cho thấy, các NHTM bắt đầu muốn giảm lãi suất huy động để hướng tới giảm hơn nữa lãi suất cho vay nhằm hạn chế nợ xấu cũng như giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Tại NH TMCP Đông Nam Á (SeABank)- NH từng xác lập nhiều “đỉnh” lãi suất huy động, hiện mức cao nhất cũng chỉ là 18,72%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi theo bậc thang từ trên 500 triệu đồng… NH Việt Á cũng giảm lãi suất không kỳ hạn từ 10,8%/năm xuống 6%/năm (tiền gửi dưới 20 triệu đồng). Một số ngân hàng khác như Ocean Bank, ABBANK, Sacombank… cũng đang xem xét để giảm lãi suất huy động, nhưng đang còn hơi e ngại. Các NH đang nhìn nhau và xem xét động thái của nhau để có hành động cụ thể.
Tính thanh khoản của NH đã ổn định?
Theo tiến sĩ Nguyễn Đại Lai – Phó Vụ trưởng vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến các NH muốn giảm lãi suất huy động. Trước hết, nền kinh tế vĩ mô đã dần đi vào ổn định, chỉ số CPI tháng 7 đã không còn tăng cao so với các tháng trước nữa và tính thanh khoản của các NHTM đã đi vào ổn định.
Nhưng do Nhà nước tăng giá xăng nên các NHTM e ngại CPI tháng 8 sẽ tăng cao. Tuy nhiên, việc NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản 14%/năm cho thấy thị trường tiền tệ bắt đầu ổn định. Nếu việc chống đầu cơ, tăng giá hàng hóa, dịch vụ... hiệu quả thì CPI trong tháng 8/2008 có thể giảm thấp hơn so với tháng 7. Đó sẽ là tín hiệu tốt để NHNN hướng tới giảm lãi suất cơ bản.
Giám đốc một NHTM ở Hà Nội cũng cho biết, đã đến lúc các NHTM nghĩ đến hậu quả của việc tăng quá cao lãi suất huy động. Do vốn đầu vào tăng nên các NHTM không thể giảm lãi suất cho vay, mà trên thực tế, số lượng doanh nghiệp có thể đạt lợi nhuận 21%/năm là quá ít vì thế nhiều khoản nợ của NH bị xếp vào khoản nợ xấu, khó đòi. Đây là điều mà các NH không hề mong muốn. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động là điều dễ thấy. Hơn nữa, nếu NHNN giảm lãi suất cơ bản thì các NHTM có hy vọng sẽ được nới trần tăng trưởng tín dụng 30%/năm để giảm áp lực lợi nhuận của năm.
Cũng về vấn đề này, ông Trần Đạo Vũ Giám, đốc Ngân hàng Đông Á – Chi nhánh Hà Nội cho biết, việc NHNN tăng lãi suất tín phiếu bắt buộc từ 7,8%/năm lên 13%/năm, “bơm” thêm tiền cho các tổ chức tín dụng, phần nào đã giảm chi phí huy động vốn, ổn định lượng tiền ra vào của nhiều NH nên đây là điều kiện thuận lợi để các NH giảm lãi suất đầu vào.
Những NH lớn thì không sao nhưng nhiều NH nhỏ vẫn tăng lãi suất huy động. Vì thế, việc một số NH hạ lãi suất sẽ khó có thể khẳng định dòng vốn nhàn rỗi từ dân sẽ đổ vào NH. Hơn nữa, với mức lạm phát như hiện nay thì lãi suất cơ bản 14%/năm là hợp lý. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại thì việc xem xét để hạ lãi suất cơ bản là việc nên làm để các NH có cơ sở để hạ lãi suất huy động và cho vay – ông Vũ nói.
Xong nhiều chuyên gia tài chính lại cho rằng, việc hạ lãi suất huy động thời điểm này sẽ khó thu hút tiền gửi của khách hàng. Vì tính bình quân trong 6 tháng đầu năm 2008 vốn huy động chỉ tăng khoảng 1,6 - 1,7 %/tháng trong khi cùng kỳ này năm trước mức tăng là 4,0 %/tháng.
Điều đó cho thấy, việc tăng lãi suất huy động cũng không phải là động lực chính để hút tiền gửi của khách hàng mà chỉ làm cho tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để các NHTM tính đến việc hạ lãi suất để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Tất nhiên, với diễn biến của nên kinh tế hiện nay các NH cũng không dám chủ quan trước những biến động bất thường của lạm phát. Nhưng những nhu cầu vốn rất cần thiết của nhiều lĩnh vực, của nhiều ngành... cũng như yếu cầu xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tạo công ăn việc làm, đòi hỏi cấp bách cần giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế và linh hoạt hơn về tín dụng.
(Theo infotv)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com