Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ M&A trị giá 30 triệu USD

Giá trị cao nhất đối với một thương vụ mua bán và sáp nhập tại Việt Nam vừa được xác lập.

Ngày 4.10, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBS) công bố đã tư vấn, môi giới thành công một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) trị giá đến 30 triệu USD, giữa Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel). Theo đó, VnSteel nắm giữ 85% cổ phần để tái cấu trúc nhà máy mạ kẽm - mạ màu của Lilama Hà Nội tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Sau khi được tái cấu trúc, nhà máy sẽ có tên mới là VnSteel Thăng Long.

Đại diện nhà tư vấn và môi giới thương vụ, ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng Giám đốc VPBS, cho biết, 2 bên đã được giới thiệu với nhau vào đúng lúc cần thiết. Việc loại trừ điểm yếu và bổ sung điểm mạnh sẽ giúp họ củng cố vị trí trên thị trường và gia tăng thị phần.

VnSteel là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường, bình ổn giá và nguồn cung cầu thép hằng năm. Tổng sản lượng thép cán hiện nay của VnSteel là 22,8 triệu tấn, chiếm 65% thị trường thép Việt Nam.

Động thái M&A lần này cũng là một chiến lược phát triển về lâu dài của VnSteel, trở thành tập đoàn đa ngành năm 2015-2025. Hiện nay, Công ty đang làm các thủ tục cần thiết để cổ phần hóa vào tháng 2.2011.Theo cam kết của VnSteel, nhà máy VnSteel Thăng Long sẽ có năng lực sản xuất thép lá mạ kẽm là 250.000 tấn/năm, thép lá mạ màu 150.000 tấn/năm, đáp ứng 50% nhu cầu về sản phẩm này tại Việt Nam.

Trong khi đó, Lilama Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam) đã có 47 năm phát triển, với ngành nghề truyền thống là thiết kế, chế tạo và xây lắp các loại máy móc công nghiệp dùng trong lĩnh vực đóng tàu, thủy điện, xi-măng, bồn bể, ống chịu áp lực và kết cấu thép. Việc bán nhà máy sẽ giúp Công ty quay về với lĩnh vực kinh doanh chính của mình. Ông Ngô Công Cường, Tổng Giám đốc Lilama Hà Nội, cho biết: “Lilama Hà Nội sẽ thu hồi được một phần vốn đầu tư từ thương vụ trên để tập trung vào mảng kinh doanh chính. Còn VnSteel thì sẽ tiết kiệm được thời gian đầu tư xây dựng nhà máy, đồng thời sử dụng mạng lưới phân phối sẵn có của mình để phát triển thị trường phía Bắc”.

Việt Nam đã từng có nhiều thương vụ M&A giao dịch thành công như vụ Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) mua lại 35 triệu cổ phần của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Ngân hàng HSBC nâng mức sở hữu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt thêm 8%; vụ sáp nhập Công ty Xi-măng Hà Tiên 1 và Xi-măng Hà Tiên 2... Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, trên đây mới là thương vụ M&A có giá trị lớn nhất.

(Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!