Điều không cần tranh luận là sự cần thiết của “ngoại giao phục vụ kinh tế” như khẳng định từ Bộ Ngoại giao. Nếu xét từ góc độ mở đường, khơi thông cho phát triển kinh tế đối ngoại, các cơ quan ngoại giao đều đã có những dấu ấn tích cực. Việc lobby cho cả nền kinh tế và những ngành hàng lớn của Việt Nam trông cậy trước hết vào các cơ quan đại diện ngoại giao. Đơn cử như tại thị trường Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp đang rất hy vọng cơ quan đại diện ngoại giao có thể lobby để doanh nghiệp được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, một vai trò không kém phần quan trọng khác của các cơ quan đại diện ngoại giao - vai trò cầu nối và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp - thì hiệu quả thực sự còn rất khiêm tốn.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp và khôn lường hiện nay, thông tin là tối quan trọng, nhất là những thông tin về pháp lý, chính sách của nước sở tại liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không chỉ dừng ở đó, các doanh nghiệp còn cần những thông tin có hàm lượng chất xám cao - những phân tích, kiến giải và tư vấn giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh.
Xưa các nhà buôn “đem chuông đi đánh nước người” thường cũng bôn ba khắp nẻo và ở đâu cũng phải tìm cho mình hội đoàn hay cắm “cơ sở” để còn có chốn đi về. Nay các doanh nhân đi xuất ngoại cũng mong có được một chỗ dựa vững chắc từ các ngôi nhà ngoại giao có cờ tổ quốc. Họ muốn một bàn tay mạnh mẽ để nắm lấy khi lâm sự (điển hình là trường hợp doanh nhân Bửu Huy được giải cứu ngày nào). Nhưng trước đó, họ cần được hỗ trợ thông tin để không rơi vào những tình thế khó khăn do không hiểu biết về môi trường kinh doanh hay đối tác nước ngoài…
Điều đó, một mình vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền không thể làm nổi, nó đòi hỏi sự cộng lực của toàn bộ các thành viên trong cơ quan đại diện ngoại giao. Nhưng nói như lời tâm sự của một nguyên đại sứ vừa hết nhiệm kỳ, sự hợp tác này hầu như mới dừng ở hình thức. Vậy nên mới có chuyện, trong lúc doanh nghiệp đang dở khóc dở cười khi làm ăn với đối tác thì gặp ngay vị đại diện thương mại… đòi chia phần trăm! Cũng không hiếm cán bộ đại diện thương mại, cán bộ ngoại giao được luân chuyển các nước nên tiếng địa phương không thông, trình độ kinh tế không thuộc. Thay vì xông xáo tìm thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, họ quay về khép mình một cách thụ động chờ… hết nhiệm kỳ.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, các cơ quan đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam rất chủ động trong việc tiến hành nghiên cứu định kỳ hoặc bất thường theo nhu cầu về các ngành nghề kinh doanh về môi trường chính sách của Việt Nam để cung cấp cho các doanh nghiệp nước họ. Tiếc thay, các cơ quan đại diện của Việt Nam hầu như chưa làm được điều đó. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp gửi đề nghị xin thông tin đến các cơ quan đại diện tại nước mà họ muốn làm ăn đã không bao giờ nhận được hồi âm. Các đại sứ có thể đưa ra khuyến nghị về độ hấp dẫn của thị trường này hay những nguy cơ từ thị trường kia, nhưng đó chỉ là những thông tin khung. Các doanh nghiệp cần hơn thế.
Nhưng sẽ sòng phẳng hơn nếu nhìn mối quan hệ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế từ thực tế của doanh nghiệp. Nhiều đại sứ nhận xét, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa chuyên nghiệp khi “xuất ngoại”, chẳng hạn như chưa tìm hiểu rõ đối tác, thị trường hoặc vẫn “cả tin” nên hiệu quả kinh doanh không cao và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Bùi Đình Dĩnh cũng từng phàn nàn rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tạo dựng được uy tín với phía bạn, nhiều doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, làm ăn chộp giật nên mất uy tín. Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp chỉ “xuất ngoại” ra nước ngoài theo kiểu đi hội đồng, thụ động trông đợi các cơ quan đại diện giúp đỡ.
Vài năm nay, đã thành lệ, cứ trước dịp Tết về, thường các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam đều có cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp với nhiều thông điệp trao đi đổi lại về sự hợp tác. Ngành ngoại giao có gần 90 cơ quan đại diện ở nước ngoài và sẽ rất hiệu quả nếu doanh nghiệp cố gắng tận dụng các “tai mắt” ở nước ngoài này để định hướng cho các hoạt động kinh doanh. Nhưng sự tương tác hỗ trợ chỉ có được khi đó là nhu cầu, nỗ lực từ cả hai phía. Cũng không thể thiếu những đúc kết thành công, thất bại hay những chỉ tiêu, kế hoạch chứ đừng chỉ gặp gỡ, siết tay cam kết và chúc tụng!
(Theo dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com